Phòng bệnh cho đàn vật nuôi mùa mưa bão
Cập nhật ngày: 27/10/2016 06:30:21
ĐTO - Mùa mưa bão là thời điểm lý tưởng cho nhiều mầm bệnh nguy hại phát triển mạnh, gây hại đến sức khỏe cho đàn vật nuôi, do đó cần tăng cường chăm sóc sức khỏe để tăng khả năng chống chịu cho đàn vật nuôi.
Người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi vào mùa mưa bão
Đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được giám sát và kiểm soát chặt chẽ nên chỉ xảy ra một số bệnh thông thường như: dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng trên heo, CRD, Newcastle và Gumboro trên gia cầm, không gây thiệt hại nhiều cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp, giai đoạn từ nay đến cuối năm, người chăn nuôi cần đặc biệt lưu ý chăm sóc sức khỏe cho đàn vật nuôi, bởi các yếu tố bất lợi từ thời tiết sẽ làm cho đàn vật nuôi dễ bị mẫn cảm hơn, mầm bệnh lưu tồn khắp nơi sẽ là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh, nếu không được kiểm soát chặt.
Theo ông Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp, giai đoạn này, người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện những trường hợp vật nuôi có biểu hiện bất thường như: uể oải, ủ rũ, kém ăn, nóng sốt...; cách ly kịp thời đối với những vật nuôi có biểu hiện khác thường để chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, mưa bão là giai đoạn dễ phát sinh các loại nấm mốc, do đó người chăn nuôi cần kiểm tra kỹ thức ăn, nên lưu ý cung cấp nguồn thức ăn tinh cho gia súc để chúng có thêm nguồn dinh dưỡng cần thiết có thể chống chọi với điều kiện thời tiết bất lợi. Với thức ăn, cần cung cấp đủ lượng và chất, thức ăn cần bảo quản ở những nơi khô ráo. Thời điểm sau lũ, người chăn nuôi phải thận trọng trong việc sử dụng nguồn nước phục vụ cho việc ăn, uống và vệ sinh chuồng trại, cần xử lý nước bằng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh trước khi cho vật nuôi uống, không sử dụng trực tiếp nước từ sông, hồ.
Trong mùa mưa bão, môi trường xung quanh khá ẩm ướt, do đó người chăn nuôi cần thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chuồng nuôi; vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; vật nuôi giai đoạn nhỏ cần được ủ ấm bằng đèn dây tóc; phun định kỳ thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Benkocid để tiêu diệt mầm bệnh.
Người chăn nuôi cũng cần chú ý gia cố chuồng trại chắc chắn, che chắn nhằm tránh mưa tạt, gió lùa, dột ướt. Với những nơi chuồng nuôi có khả năng bị ngập kéo dài phải chủ động tìm nơi cao ráo để đưa gia súc, gia cầm lên cao.
Tiêm phòng là biện pháp bắt buộc để tạo miễn dịch chủ động cho vật nuôi. Đối với trâu bò cần tiêm phòng một số loại vắc-xin bắt buộc như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng; đối với heo phải tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm như: bệnh đỏ, tai xanh, bệnh đóng dấu, lở mồm long móng; gia cầm tiêm phòng các loại bệnh: cúm gà, newcastle...
Người chăn nuôi nên thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe vật nuôi để kịp thời phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm...), cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi.
Với gia súc, gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác, người chăn nuôi phải chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Mỹ Lý