Phụ nữ vùng biên khởi nghiệp với đặc sản quê hương

Cập nhật ngày: 03/10/2023 16:21:59

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231003045441llcccc.mp3

 

ĐTO - Những năm gần đây, TP Hồng Ngự được xem là một trong những địa phương có phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh ở khu vực biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Với việc phát huy tốt giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, cộng với sự sáng tạo không ngừng trong sản xuất, các sản phẩm khởi nghiệp của nhiều chị em phụ nữ ở vùng biên thời gian qua đã và đang tạo được vị thế, chiếm được sự tin yêu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.


Chị Lê Thị Vuông ngụ khóm Trà Đư, phường An Lạc, TP Hồng Ngự với sản phẩm khô cá lóc rút xương

"Khoác áo mới" cho sản phẩm cá khô truyền thống

Lớn lên ở miền sông nước nên từ lâu các món ăn dân dã, đồng quê như khô, mắm đã trở thành một phần không thể thiếu với chị Lê Thị Vuông (SN 1982), chủ hộ kinh doanh sạp khô Liêm Vuông (khóm Trà Đư, phường An Lạc, TP Hồng Ngự). Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chị Vuông bén duyên với nghề làm cá khô ở TP Hồng Ngự. Khoảng năm 2012, chị Lê Thị Vuông bắt đầu mày mò công thức làm cá khô để dành cho gia đình sử dụng. Sau thời gian nghiên cứu và không ít lần thất bại, năm 2013, chị Vuông sản xuất thành công mẻ khô cá lóc đầu tiên, giai đoạn đầu thấy khô làm ra ăn khá ngon nên chị Vuông đem biếu tặng hàng xóm, bạn bè... Sau khi nhận được sự phản hồi tích cực từ bạn bè và họ hàng, chị Vuông chính thức bắt tay khởi nghiệp với nghề làm khô cá lóc.

Ban đầu, cũng như nhiều hộ sản xuất khô truyền thống tại địa phương, chị Vuông bắt đầu tiếp cận thị trường với sản phẩm khô cá lóc xẻ bướm. Dần dần nhận thấy thị trường có nhu cầu với các loại khô cá đồng nên chị Vuông bắt đầu sản xuất thêm nhiều dòng khô cá đặc sản mới như: cá chạch, cá chốt, cá linh... phục vụ cho phân khúc khách hàng tầm trung. Thời điểm đó, mỗi tháng, chị Vuông chỉ sản xuất khoảng 200 - 300kg khô thành phẩm cung cấp cho thị trường. Song, nhờ hương vị đậm đà và sử dụng nguồn nguyên liệu tươi ngon tại địa phương nên dần dần sản phẩm cá khô của chị Vuông được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến. Hiện trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị Vuông cung cấp cho thị trường từ 3 - 4 tấn khô các loại. Nhờ bén duyên với nghề sản xuất cá khô mà chị Vuông có nguồn thu nhập ổn định và giúp cho nhiều chị em ở địa phương có việc làm ổn định...

Đến năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, từ đó đã có nhiều tác động đến tư duy khởi nghiệp của chị Vuông. Thay vì chỉ phát triển các dòng sản phẩm khô truyền thống, chị Vuông bắt đầu có nhiều cải tiến hơn trong phát triển sản phẩm cá khô của mình.

Chị Lê Thị Vuông, tâm sự: “Khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, nhiều hộ dân nuôi cá lóc, cá tra tại địa phương rơi vào tình trạng khó khăn khi sản phẩm liên tục ùn ứ, không ai tiêu thụ. Từ tình hình khó khăn của người nông dân, tôi nhận thấy cần phải đẩy mạnh chế biến để giúp nông dân giải quyết đầu ra cho thủy sản. Tuy nhiên, nếu chỉ sản xuất khô theo phương thức thông thường thì rất khó để mở rộng kênh phân phối. Tôi nhận thấy khách hàng bây giờ rất quan tâm tới sự độc đáo và tiện lợi, muốn chinh phục phân khúc khách hàng này thì đòi hỏi sản phẩm mình làm ra cũng phải đáp ứng các tiêu chí: an toàn, chất lượng, độc đáo và tiện lợi... Do đó, tôi bắt đầu phát triển thêm một số dòng sản phẩm mới như: khô lươn đồng tiền, khô cá tra sợi, khô cá lóc ép vỉ... để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của thị trường”.

Năm 2022, sản phẩm khô cá lóc rút xương của chị Vuông được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Đồng Tháp. Năm 2023, chị Vuông tiếp tục đưa sản phẩm khô cá tra ép vỉ tham gia xét chọn sản phẩm OCOP của TP Hồng Ngự.


Chị Phan Thị Huê ngụ xã Tân Hội, TP Hồng Ngự bên sản phẩm khởi nghiệp tép rang nước cốt dừa

Tạo sự khác biệt cho món tép rang

Cũng giống như chị Vuông, với mong muốn tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm đặc sản cho địa phương từ nguồn tài nguyên bản địa, năm 2022, chị Phan Thị Huê (SN 1982) ngụ xã Tân Hội, TP Hồng Ngự đã sáng tạo phát triển thành công sản phẩm tép rang nước cốt dừa, vừa phục vụ nhu cầu ăn vặt, vừa phục vụ nhu cầu làm nguyên liệu nấu ăn cho chị em nội trợ. Bước đầu sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm và đánh giá cao bởi hương vị khác biệt.

Chị Phan Thị Huê - chủ hộ kinh doanh Cô Huê (xã Tân Hội, TP Hồng Ngự), cho biết: “Ở vùng đầu nguồn nên nguồn lợi thủy sản tại TP Hồng Ngự khá phong phú, đặc biệt vào mùa nước nổi, ngoài các loại cá nước ngọt thì tép sông cũng là một đặc sản. Do đó, với mong muốn tận dụng tốt nguồn nguyên liệu tại địa phương để chế biến một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho gia đình cũng như người lao động tại địa phương nên tôi đã mạnh dạn khởi nghiệp với sản phẩm tép rang nước cốt dừa”.

Ban đầu sản phẩm tép rang nước cốt dừa của chị Huê chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con tại địa phương, dần dần nhờ hương vị thơm ngon, độc đáo nên mở rộng phân phối sang nhiều địa phương lân cận. Thế mạnh của sản phẩm tép rang nước cốt dừa là sự tiện lợi và tươi ngon, có thể sử dụng như một loại snack, người tiêu dùng có thể thưởng thức ngay mà không cần qua chế biến. Hiện tại, ngoài cung cấp 2 dòng tép rang nước cốt dừa loại tép size lớn và tép size nhỏ, chị Huê còn cung cấp dòng tép rang phục vụ nhu cầu chế biến các món canh và kho khô của chị em nội trợ.

Chị Phan Thị Huê tâm sự: “Thông qua các lớp tập huấn hướng dẫn, tôi nhận thấy, để có thể phát triển sản phẩm xa hơn cần phải thay đổi, đầu tư sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp hơn, phát triển thêm một số dòng sản phẩm mới để có thể phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng”.

Theo Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự, nhằm khuyến khích người dân địa phương đẩy mạnh hoạt động chế biến, khai thác tốt các giá trị về tài nguyên bản địa, thời gian qua, thành phố đã dành nhiều chính sách và chương trình khuyến khích phong trào khởi nghiệp phát triển. Trong đó, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp chặt chẽ với địa phương phát hiện kịp thời các sản phẩm tiềm năng, từ đó có những chính sách hỗ trợ, hướng dẫn nhằm giúp cho các hộ sản xuất, kinh doanh được tiếp cận với các chính sách ưu đãi về hỗ trợ máy móc, thiết bị từ Chương trình khuyến công, hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì... để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương. Song song đó, đối với các sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP sẽ được địa phương dành nhiều chương trình hỗ trợ về quảng bá, xúc tiến thương mại cũng như tiếp cận các chính sách về đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ chính sách khuyến công của tỉnh.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn