Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 23/09/2013 06:55:38

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm 15 xã, phường: phường An Lộc, An Thịnh, An Lạc, xã Tân Hội, Bình Thạnh thuộc thị xã Hồng Ngự; xã Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Lạc, Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự; xã Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình và thị trấn Sa Rài thuộc huyện Tân Hồng.

KKTCK tỉnh Đồng Tháp là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế. Đây cũng là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, trước hết trong quan hệ với Campuchia.

Theo quy hoạch, dự báo đến năm 2020 quy mô dân số KKTCK tỉnh Đồng Tháp khoảng 190.000 - 200.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 100.000 - 110.000 người; đến năm 2030 quy mô dân số khoảng 240.000 - 250.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 170.000 - 180.000 người.

Cấu trúc không gian KKTCK tỉnh Đồng Tháp được hình thành theo mô hình đô thị trung tâm Hồng Ngự và hai hành lang đô thị (hành lang Dinh Bà - Sa Rài và hành lang Thường Phước - Thường Thới) gắn với hai cửa khẩu quốc tế dựa trên các tuyến quốc lộ N1, 30, 30B và tỉnh lộ 841.

Trong đó, thị xã Hồng Ngự là đô thị loại 3, đô thị trung tâm kinh tế, khoa học kĩ thuật và văn hóa phía Bắc và hành lang kinh tế biên giới tỉnh Đồng Tháp; là đô thị trung tâm về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, giao thương của Khu kinh tế; có vị trí an ninh - quốc phòng.

Khu kiểm soát cửa khẩu quốc tế tổ chức tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Dinh Bà và tại cửa khẩu quốc tế đường thủy, bộ Thường Phước.

Bên cạnh 2 cửa khẩu quốc tế này, KKTCK tỉnh Đồng Tháp có 2 cửa khẩu quốc gia là Sở Thượng, Thông Bình và 3 cửa khẩu phụ gồm: Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú.

Tại hai đô thị cửa khẩu Dinh Bà và đô thị cửa khẩu Thường Phước có 3 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích 60 ha. Ngoài ra, tại thị trấn Sa Rài và thị trấn Thường Thới, mỗi thị trấn có 1 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (quy mô 35ha - 45ha) sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ phụ phẩm nông nghiệp và các mặt hàng khác.

TP
(Theo Cổng thông tin Chính phủ)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn