Đồng Tháp
Quyết tâm làm nên thịnh vượng trên quê hương Sen Hồng
Cập nhật ngày: 09/02/2021 05:47:04
ĐTO - Trước thềm Xuân mới Tân Sửu 2021, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã dành thời gian chia sẻ với Báo Đồng Tháp về những thành tựu, đổi thay và con đường phát triển phía trước trên quê hương Sen hồng...
Phóng viên (PV): Những năm gần đây, Đồng Tháp luôn được nhắc đến với hình ảnh một địa phương có sự bứt phá, in dấu đậm nét từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN). Đặc biệt, một quan điểm lớn được tỉnh chú trọng thực hiện và rất thành công trong thời gian qua là chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả tinh thần này, trong năm 2021, Đồng Tháp sẽ tập trung vào những nội dung trọng tâm nào? Thưa ông!
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Trước tiên, có thể khẳng định, TCCNN là một hướng đi đúng và thành công bước đầu mà Đồng Tháp đã và đang thực hiện nhằm xây dựng một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, hiệu quả, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh; cải thiện và nâng cao thu nhập của nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.
Trong hành trình ấy, Đồng Tháp đã mạnh dạn thay đổi tư duy: chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển kinh tế tập trung lấy hiệu quả, giá trị và chất lượng thay vì số lượng.
Với tư duy đó, chúng tôi mong muốn kích hoạt để người nông dân cùng thay đổi theo, phải nghĩ tới cầu rồi mới nghĩ tới cung, không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tập trung giải quyết “điểm nghẽn” trong sản xuất nông nghiệp là “chi phí cao, chất lượng kém” tiến tới sản xuất theo hướng “chi phí thấp, chất lượng cao”.
Về định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới, Đồng Tháp vẫn quyết tâm đẩy mạnh thực hiện TCCNN đi vào chiều rộng và chiều sâu, gắn với chế biến và thị trường, lấy thị trường làm trọng tâm trong tái cơ cấu; tiếp tục đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện đồng bộ “chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp” gắn với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng chuyển đổi số trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả và phát triển mạnh các chuỗi ngành hàng theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong sản phẩm nông nghiệp...
PV: Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 của VCCI đánh giá, Đồng Tháp là địa phương rất nỗ lực xây dựng thương hiệu chính quyền thân thiện với doanh nghiệp. Thưa ông! Trong năm 2020, trước những khó khăn bất ngờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tỉnh nhà đã trải qua chặng đường đồng hành cùng nhau như thế nào?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Tôi muốn nhấn mạnh rằng, “Đồng hành cùng doanh nghiệp” là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của tỉnh Đồng Tháp. Kết quả xếp hạng PCI hằng năm, Đồng Tháp 12 năm liên tiếp nằm trong top đầu cả nước đã minh chứng cho sự nỗ lực của tỉnh được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá rất cao.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bất ngờ tác động khủng khiếp đến nền kinh tế, trong đó, DN là một trong những đối tượng chịu nhiều thiệt hại, dẫn đến nguy cơ phá sản, chủ trương đồng hành tiếp tục được lan tỏa. Là bạn đồng hành, Đồng Tháp luôn sát cánh cùng DN để vượt qua khó khăn, thách thức.
Ngay từ khi xảy ra dịch bệnh, Đồng Tháp đã chủ động cung cấp thông tin kịp thời đến các DN, một mặt đã tập trung các giải pháp khẩn để phòng, ngừa, ngăn chặn dịch bệnh; mặt khác, khẩn trương triển khai ngay các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như: giãn, giảm nợ thuế; giãn, cơ cấu nợ ngân hàng; giãn nợ đóng bảo hiểm xã hội; giảm tiền điện... nhất là thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 32 của Chính phủ một cách kịp thời.
Song song đó, tỉnh đã tập trung kết nối các hệ thống siêu thị lớn; mở các kênh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các hoạt động, chuỗi sự kiện như: Phiên chợ nông sản an toàn, Hội chợ OCOP; kết nối các sàn thương mại điện tử tổ chức các tuần hàng Đặc sản Đồng Tháp; đặc biệt là thành lập các Trung tâm giới thiệu hàng hóa đặc sản Đồng Tháp ở đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội.
Một giải pháp mà tôi nghĩ mang đến niềm tin, nhiều động viên cho các DN vượt qua khó khăn, đó là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên xuống các khu, cụm, điểm công nghiệp để gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ thông qua mô hình “Cà phê doanh nghiệp” ở các huyện, thành phố. Đây được xem như là một bước tiến của mô hình “Cà phê doanh nghiệp”. Và tôi nghĩ, với tính chủ động, sáng tạo, thực hiện các chính sách và động viên, định hướng, chia sẻ kịp thời đã giúp cho cộng đồng DN Đồng Tháp có thêm nghị lực, niềm tin vượt qua những thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 4,5%, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); số DN thành lập mới tăng 15% so với năm 2019 (600/520 DN) mức tăng cao nhất từ trước đến nay; đóng góp nguồn thu ngân sách cơ bản đạt kế hoạch, ổn định việc làm và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,28% mức thấp nhất.
Khách tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội chợ Triển lãm thương mại “Sản phẩm OCOP - Kết nối vươn xa”
PV: Như vậy, định hướng về con đường phía trước của tỉnh nhà đối với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp” ra sao? Thưa ông!
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Trong thời gian tới, với việc đề ra những phương án mới, Đồng Tháp tiếp tục nỗ lực trên chặng đường dài nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đẩy nhanh hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cải cách hành chính nhằm tạo “con đường ngắn nhất” cho DN thực hiện thủ tục đầu tư - kinh doanh; tiếp tục hoàn thiện mô hình “Chính quyền thân thiện, đồng hành cùng DN”.
Đồng Tháp cũng sẽ tiếp tục thực hiện Bộ chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), nhằm “truyền lửa” cải cách xuống địa phương, đồng thời làm cơ sở cho UBND tỉnh xác định các giải pháp phù hợp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao Chỉ số PCI trong thời gian tới.
PV: Là một điển hình của địa phương khởi nghiệp, theo ông, điều khiến Đồng Tháp tự hào nhất trong phong trào khởi nghiệp thời gian qua là gì?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Như chúng ta biết, một quốc gia hay địa phương phát triển bền vững, giàu có và thịnh vượng, thì tất nhiên phải có nhiều DN phát triển, mà để có DN thì phải bắt đầu từ khởi nghiệp. Đồng Tháp đang hướng đến xây dựng một địa phương khởi nghiệp, do đó, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều chương trình để kích hoạt, phát động phong trào khởi nghiệp một cách sâu rộng, đa dạng và dần lan tỏa đến nhiều giai tầng, thành phần xã hội, từ người trẻ đến người lớn tuổi, thanh niên đang làm ăn xa, du học sinh trở về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp. Đây là điều mà tôi thật sự tâm đắc, tự hào và rất cảm động.
Có dịp đi cơ sở, len lỏi vào tận các con đường quê để động viên, khơi dậy niềm đam mê đến các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi càng cảm động hơn khi thấy các bạn trẻ không chỉ cụ thể ý tưởng bằng các dự án khởi nghiệp từ nguồn tài nguyên bản địa mà còn động viên, hướng dẫn cho nhau, hỗ trợ và kết nối với nhau, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp là thế, tinh thần hợp tác liên kết là thế! Cá nhân tôi như được truyền cảm hứng từ các bạn trẻ ấy.
PV: Để “Câu chuyện Đàn sếu khởi nghiệp” trên quê hương Đất Sen hồng chắp cánh cho những hoài bão và ước mơ khởi nghiệp hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ có những chương trình, hành động cụ thể nào? Thưa ông!
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Để chắp cánh cho những hoài bão và ước mơ khởi nghiệp hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục lồng ghép chương trình khởi nghiệp vào kế hoạch, chương trình hoạt động của từng ngành, từng địa phương.
Đồng Tháp định hướng tập trung phát triển về chất lượng, thúc đẩy các dự án tiềm năng trưởng thành trở thành những DN nhỏ và vừa; có sự chọn lọc, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, chú trọng khởi nghiệp trong một số ngành đang có lợi thế và tiềm năng.
Mối quan tâm hàng đầu của tỉnh là việc hình thành một cộng đồng khởi nghiệp năng động. Cộng đồng này được dẫn dắt bởi các DN dẫn đầu, DN khởi nghiệp tiêu biểu, với tinh thần chào đón, khuyến khích các DN khởi nghiệp mới cùng tham gia. Tôi mong muốn thời gian tới, tinh thần ấy sẽ ngày càng lan tỏa hơn nữa.
Hợp tác xã Rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự giới thiệu sản phẩm dưa lưới tại buổi kết nối tiêu thụ hàng hóa của Đồng Tháp với Công ty Cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh, TP.HCM
PV: Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 tổ chức tại Cần Thơ vừa qua, ông chia sẻ rằng, điểm yếu nhất trong xây dựng kinh tế ĐBSCL là vấn đề kết nối, hợp tác. Ông cũng bày tỏ sự trăn trở về câu chuyện di dân của ĐBSCL. Đồng Tháp là địa phương được đánh giá cao trong khu vực về sự đổi mới tư duy, vậy ông có thể thông tin về những giải pháp, chiến lược của địa phương liên quan đến những vấn đề này trong thời gian tới?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Con số 1,3 triệu người di cư trong 10 năm qua mà Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 vừa công bố là một thực trạng báo động. Nói ĐBSCL là trù phú, lao động dồi dào, nhưng tổng hợp lại 10 năm di cư trên 1,3 triệu người (gần bằng dân số của 1 tỉnh). Bên cạnh đó, số dân của vùng chiếm 20% dân số cả nước, nhưng số DN chỉ chiếm khoảng 7% số DN cả nước, thu nhập bình quân thấp... đó thật là những vấn đề rất đáng để chúng ta suy ngẫm và trăn trở.
Có một nghịch lý là trong khi lao động tại địa phương di cư về một số tỉnh miền Đông Nam bộ để kiếm sống thì tại địa phương, nhiều DN lại than phiền về tình trạng khan hiếm lao động. Để giải bài toán này, trong thời gian tới, chúng tôi xác định:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn là giải pháp hàng đầu; trong đó phải làm tốt công tác định hướng, phân luồng học sinh, đào tạo nghề cho lao động, rút dần lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Thứ hai, tiến hành quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, làng nghề, trung tâm sản xuất nông nghiệp, du lịch nông nghiệp,... tạo môi trường cho phong trào khởi nghiệp và xúc tiến kêu gọi đầu tư nhằm giải quyết việc làm cho các lao động, nâng cao thu nhập.
Thứ ba, tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo lao động theo nhu cầu DN.
Thứ tư, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thực hiện hiệu quả phương châm “Đi làm thuê, về làm chủ”, vừa là giải pháp giải quyết việc làm, vừa là cơ hội hội nhập thị trường lao động quốc tế, nâng cao trình độ và xây dựng tác phong làm việc công nghiệp cho nguồn nhân lực tỉnh nhà, đặc biệt là trong xu thế hội nhập hiện nay.
PV: Những năm qua, Đồng Tháp đã tạo được tiếng vang, sự lan tỏa trong cộng đồng cả nước về những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội bằng nhiều minh chứng rất thuyết phục. Trước thềm năm mới, xin ông vui lòng chia sẻ thêm về những mục tiêu cốt yếu trong năm 2021 nhằm hướng đến sự phát triển bền vững trên quê hương Đất Sen hồng?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trên cơ sở dự báo tình hình với những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen, năm 2021, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, do tác động của dịch Covid-19, nhưng trên tinh thần lạc quan, quyết tâm cao, biến nguy thành cơ hội, tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu ở mức khá cao để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, GRDP đạt 7,0%; GRDP/người đạt 58,2 triệu đồng; giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,7%, trong đó đào tạo nghề đạt 51,4%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 91% dân số;...
Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Cụ thể là, trước mắt tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi; hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững.
Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh TCCNN gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển DN và phong trào khởi nghiệp; chú trọng khôi phục thị trường xuất khẩu, đồng thời phát triển các sản phẩm chế biến OCOP kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; phát triển du lịch nông nghiệp liên kết với các địa phương để phát triển bền vững.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; triển khai nhanh các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng chính quyền điều hành năng động, hiệu quả, phục vụ Nhân dân, DN.
“Quyết tâm lớn làm nên thịnh vượng/Trọng nghĩa tình bền vững tương lai” - đó là thông điệp của năm mới 2021 và cũng là khát vọng mãnh liệt mà tất cả chúng ta đều khát khao vươn tới. Với niềm tin và khát vọng đó, tôi kêu gọi các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng, nỗ lực hành động vì sự phát triển phồn thịnh của quê hương Đồng Tháp - Đất Sen hồng thân yêu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hiền (Thực hiện)