Sát cánh cùng doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 28/02/2014 04:42:46

Xác định doanh nghiệp là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, những năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh đồng hành với doanh nghiệp. Những khó khăn phía trước đối với doanh nghiệp còn nhiều, nhưng chính quyền địa phương cam kết luôn sát cánh cùng các doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích những tư duy mới, dám nghĩ dám làm của cộng đồng doanh nghiệp địa phương…


Tỉnh luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần dám nghĩ dám làm

Đối với doanh nghiệp, thị trường là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. Với phương châm “đồng hành”, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ, tạo bước đệm cho họ tìm kiếm những thị trường mới.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thực phẩm Bích Chi chia sẻ: “Trước sự hỗ trợ của tỉnh, đến nay ngoài thị trường truyền thống, Công ty chúng tôi đã mở rộng thêm được những thị trường mới như Myanmar, Nhật...”.

Trong năm 2013, doanh nghiệp đối mặt với nhiều “sóng gió”. Trong hơn 3.200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có trên 560 doanh nghiệp, chi nhánh rời bỏ “cuộc chơi”. Tuy nhiên, sự đóng góp của doanh nghiệp không hề thay đổi, tổng lượng hàng hóa vẫn tăng, cuộc sống lao động ổn định... Song song đó, tỉnh chào đón hơn 750 doanh nghiệp từ nước ngoài uy tín, quy mô đến gắn bó với Đồng Tháp.

Một số doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi khó khăn nhận ra khả năng thực tế của mình và nắm rõ phân khúc thị trường đã có những ý tưởng mới, ứng xử phù hợp. Đó là ý tưởng thu những sản phẩm làng nghề đặc sắc đóng gói, đưa đóa sen hồng Đồng Tháp thành thương hiệu du lịch “Thuần khiết như hồn sen”, dự án chế biến collagen công nghệ cao... Nhiều doanh nghiệp xông xáo tìm kiếm thị trường thị trường mới như Myanmar, Châu phi...

Trong buổi họp mặt doanh nghiệp đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan chia sẻ: “UBND tỉnh cảm ơn sự tin tưởng của doanh nghiệp vào sự đồng hành của chính quyền và tri ân sự góp sức của doanh nghiệp trong năm qua. Thực tế đã chứng minh rằng, những ai nắm rõ mình và dám đương đầu khó khăn đều đạt được thành công...

Trong năm 2014, vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tinh thần đó để thắp lên những tia sáng mới. Đó cũng là lý do tỉnh chọn chủ đề trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp đầu năm 2014 là “Trưởng thành qua thách thức”. Theo đó, lãnh đạo tỉnh cam kết luôn sát cánh từng doanh nghiệp trong thời khắc khó khăn, đồng hành từ yếu tố nhỏ nhất để không để cơ hội, ý tưởng của doanh nghiệp trôi qua. Tạo chất xúc tác để doanh nghiệp phát triển, tỉnh sẽ có những hình thức tôn vinh những đơn vị có những đóng góp mới như: đột phá về công nghệ, chăm lo cho công nhân tốt nhất, mở được thị trường sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu...

Tái cơ cấu đồng bộ

Nhiều doanh nghiệp thấy được lợi thế và sự năng động của chính quyền trong đồng hành với doanh nghiệp, các công ty đã có ý định thành lập, gắn bó lâu dài với quê hương Đồng Tháp. Tuy nhiên theo họ, để thu hút nhiều công ty đến với tỉnh, cần có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng.

Đồng Tháp lấy nông nghiệp làm nền tảng trong phát triển kinh tế của tỉnh và đang tiến tới thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, góp phần vào tăng thu nhập của người dân với 5 ngành hàng: lúa gạo, hoa kiểng, vịt, xoài, cá tra. Theo tình hình thực tế, đối với mặt hàng lúa gạo, một số doanh nghiệp có năng lực ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ, trong khi những sản phẩm khác vẫn còn thiếu mặt doanh nghiệp. Vấn đề cần thiết hàng đầu là cần thu hút doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư.

Để doanh nghiệp nói chung và đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh phát triển thì cần tiến tới tái cơ cấu đồng bộ...

Phát biểu trong buổi họp mặt doanh nghiệp đầu năm, ông Lê Vĩnh Tân – Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương chia sẻ: “Trước những vấn đề đặt ra, hiện nay chúng ta có nên thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, thương mại dịch vụ. Bởi nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế mà công nghiệp thương mại của địa phương là chế biến phục vụ. Theo đó, doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt việc tái cấu trúc đầu tư quản trị, sản phẩm và thị trường để phát triển trong khi doanh nghiệp nhà nước đã có chuẩn bị tư thế chưa? Trên cơ sở kết hợp với tái cấu trúc nông nghiệp thì cần tái cấu trúc thương mại dịch vụ và cả doanh nghiệp vì chúng ta không thể đứng “một chân”.

Theo ông Lê Vĩnh Tân, trong khi xu hướng hiện nay là hợp tác cùng phát triển nhưng sẽ không dễ dàng. Vì thế tỉnh có thể tính đến chuỗi giá trị của một ngành hàng để các doanh nghiệp cùng liên kết tham gia, nhằm đảm bảo giá trị bền vững.

Đối với thu hút đầu tư thì hạ tầng cũng là yếu tố quan trọng, điều này sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp giảm chi phí. Tuy nhiên, phải tính những vấn đề cốt lõi, vì thế cần tính đến việc kết nối đồng bộ hệ thống giao thông của Trung ương, tỉnh, địa phương để đưa Đồng Tháp kết nối với bên ngoài...

Khánh Duy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn