Sức sống mới trên quê hương yên bình

Cập nhật ngày: 22/01/2023 06:28:19

ĐTO - Hòa chung không khí đón chào Xuân mới Quý Mão 2023, với niềm tin, kỳ vọng quê hương Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững trong tương lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đã dành cho Báo Đồng Tháp cuộc trao đổi, chia sẻ về chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong năm qua và những quyết tâm cho hành trình xây dựng quê hương phía trước.


Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Mỹ Nhân

Phóng viên (PV): Thưa ông! Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Đồng Tháp đã nỗ lực vượt qua nhiều cam go, thử thách. Ông vui lòng thông tin về những kết quả nổi bật trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong năm qua?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, toàn hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp đã vào cuộc quyết liệt, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh nhà năm 2022 đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng trưởng 9,11%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, quy mô kinh tế lần đầu tiên đạt mốc 100.172 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lần đầu tiên đạt gần 1 tỷ 500 triệu USD, tăng 34% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 62,6 triệu đồng (tương đương 2.675 USD). Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Tháp trong năm 2022 xếp thứ 5 trong nhóm các tỉnh có tăng trưởng cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nông nghiệp Đồng Tháp có bước chuyển biến đáng kể, tập trung sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng. Nhiều tổ chức, cá nhân áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, đem lại giá trị cao cho nông sản. Đến nay, có 32 hợp tác xã đạt các chứng nhận an toàn thực phẩm (VietGAP, SRP) với diện tích gần 3.000ha; 31 hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng với diện tích khoảng 12.000ha.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đến thăm và làm việc tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Ảnh: Nhật Khánh

Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phục hồi nhanh, tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,9% so với năm 2021... Hoạt động thương mại và dịch vụ trong năm qua có sự phục hồi mạnh mẽ. Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón 3,4 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 128% so với năm 2021, đứng đầu cụm phía Đông ĐBSCL. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 165% so với năm 2021.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những điểm mạnh xuyên suốt, có tác động sâu sắc đến quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, để địa phương đạt được những thành tựu ấn tượng trong năm 2022?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Như tôi vừa chia sẻ, năm 2022 là một chặng đường nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đồng lòng, quyết tâm thích ứng nhanh, cơ bản hoàn thành mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh cùng với các sở, ngành và địa phương đã triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh với quyết tâm cao. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện với 22 chỉ tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 13 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, 166 nhiệm vụ cụ thể để chỉ đạo, điều hành.

Cũng trong năm qua, Đồng Tháp đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, khẳng định được vị thế của vùng Đất Sen hồng như: Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài, Lễ hội Cá tra, Diễn đàn Mekong Startup, Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP cấp vùng, Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh ĐBSCL; ký kết hợp tác với nhiều viện, trường và địa phương, đặc biệt là ký kết hợp tác toàn diện với tỉnh An Giang... Qua đó, không chỉ định vị rõ nét hình ảnh mà còn đẩy mạnh sự khôi phục mạnh mẽ sau đại dịch, tạo niềm tin, khí thế cho các ngành, doanh nghiệp, người dân hăng hái tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại Diễn đàn Mekong Starup lần I - năm 2022

PV: Một năm tỉnh nhà vươn mình đổi thay, in dấu sâu đậm trên lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng địa phương khởi nghiệp. Bằng niềm tin và khát khao phát triển, địa phương sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nào để tiếp tục “Đồng hành cùng doanh nghiệp”? Thưa ông!

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Điều đáng mừng là trong năm qua, môi trường đầu tư của Đồng Tháp tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Trong năm 2022, có khoảng 690 doanh nghiệp thành lập mới và 185 doanh nghiệp tái hoạt động. Với việc tổ chức thành công Diễn đàn Mekong Startup cũng tạo động lực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và các yếu tố đổi mới sáng tạo.

Trong năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, khai thác các nhân tố tăng trưởng mới từ khởi nghiệp, dự án đầu tư mới, thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp đạt mức 9,4%. Tỉnh cũng đặt mục tiêu trong năm nay sẽ có ít nhất 630 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 4.878 doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đề ra thì chắc chắn chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp” phải tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 3 từ phải sang) trong chuyến khảo sát vùng trồng sen ở huyện Tháp Mười.
Ảnh: Nhật Khánh

Dự kiến trong năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 2. Đồng Tháp kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ những nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt, thu hút các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư và quyết định đầu tư tại tỉnh.

Xác định giao thông là yếu tố quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp nên tỉnh đang nỗ lực để khởi công tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự kiến vào tháng 4/2023. Đây là dự án thành phần trong tổng thể dự án cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, kết nối các trọng điểm phát triển trên tuyến hành lang kinh tế - đô thị ven sông Tiền, là 1 trong 3 tuyến ngang quan trọng kết nối 3 trục xương sống của vùng ĐBSCL, đồng thời là trục xương sống hướng Tây Bắc - Đông Nam của tỉnh.


Du khách tham quan đồng sen.
Ảnh: Sông Ngân

PV: Trước thềm Xuân Quý Mão 2023, ông có lời gửi gắm gì đến Nhân dân tỉnh nhà về sự quyết tâm của chính quyền địa phương trên hành trình phát triển quê hương?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ 5 năm (2021 - 2025), do đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy “chuyển đổi số và kinh tế xanh”, Đồng Tháp kỳ vọng sẽ phát triển nhanh và bền vững. Tôi mong muốn mỗi người dân Đất Sen hồng cùng nhau nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đã đề ra trong năm.

Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tỉnh nhà một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc!

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hiền (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn