Tái cơ cấu nông nghiệp để “trả nợ” nông dân?

Cập nhật ngày: 29/08/2013 07:49:25

Cần cấp thiết tìm giải pháp phát triển nông nghiệp thực chất để cải thiện đời sống nông dân, cũng là một cách để 'trả nợ' nông dân.


Hiện tại, phần lớn lúa của nông dân Đồng Tháp bán qua thương lái
nên mức lợi nhuận còn thấp, bấp bênh (Ảnh: PNOL)

Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là một Đề án hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp thực sự tăng trưởng về chất, góp phần vực dậy nền kinh tế nước nhà…

Phải dừng phát triển kiểu “vạc vào chân mình”

Thực tế đã chứng minh, trong các cuộc cách mạng, nông dân là lực lượng chủ lực, nông thôn là địa bàn chiến lược. Trong thời kỳ đổi mới, nông nghiệp là mũi nhọn đột phá. Còn trong quá trình CNH-HĐH, nông nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng, nông nghiệp được ghi nhận là giá đỡ cho nền kinh tế.

Không những thế, trên trường quốc tế, lượng nông sản của Việt Nam xuất khẩu không ngừng tăng (riêng năm 2012 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản đứng nhất, nhì trong tốp đầu của thế giới). Nhưng song song với thành quả nổi bật đó, đời sống nông dân- chủ thể của nông nghiệp - vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì thu nhập èo uột, bấp bênh, chất lượng sống của nông hộ cũng thấp.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013, phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sau quyết định này, việc bàn giải pháp cho tái cơ cấu nông nghiệp đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết tại nhiều địa phương, các bộ, ngành. Mục đích của các cuộc bàn thảo, nhìn chung, đều xoay quanh mục tiêu tăng giá trị nông sản, nâng cao đời sống nông dân, làm tươi mới bộ mặt nông thôn.

Nói như TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), việc tái cơ cấu nông nghiệp triển khai thời điểm hiện nay đã là chậm, lẽ ra phải thực hiện từ năm 2005. Bởi vì nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng thời gian qua đến chủ yếu từ khai thác tài nguyên, lạm dụng phân bón hóa học cho ra khối lượng sản phẩm lớn, nhưng chất lượng sản phẩm thấp, giá rẻ, giá trị gia tăng không có. Tức là rất nhanh tăng trưởng nhưng không vững bền.

“Cách tăng trưởng như thế, đã kéo quá dài, lẽ ra đã phải kết thúc từ năm 2000, chậm lắm là năm 2005, thời kỳ đỉnh của tăng trưởng kiểu đó. Từ đó đến nay, chúng ta phát triển nông nghiệp kiểu vạc vào chân mình rồi. Thời điểm từ 2005 trở lại đây, nông nghiệp đang đi xuống, tăng trưởng giảm. Như vậy, chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng”- TS Sơn nhấn mạnh.

“Trả nợ” nông dân như thế nào?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi lẽ, muốn đạt mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp việc cần làm là tái cơ cấu sao cho nông sản Việt Nam xuất khẩu có giá thành cao, xây dựng được thương hiệu, có sức cạnh tranh mạnh so với các nước khác; tránh tình trạng giá nông sản, thủy sản của nước ta biến động thất thường, xu hướng ngày càng giảm so với các nước trong khu vực và thế giới, ảnh hưởng đến thu nhập của người làm nông nghiệp…

Bên cạnh đó, tái cơ cấu nông nghiệp là làm sao để tăng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp, bao gồm cả đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương phải quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn cả nước, vùng lãnh thổ và tỉnh, huyện, xã cho phù hợp với đặc điểm từng vùng để phát huy lợi ích trước mắt và lâu dài.

Điều này cần thể hiện rất rõ trong việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh lớn ở từng vùng (miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo); và việc chế biến, bảo quản nông sản; hướng sản phẩm đó đến thị trường nào?... Hơn nữa, phải có giải pháp để thực chất hóa sự liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp) trong nông nghiệp;

Với những đòi hỏi bức thiết đặt ra cho tái cơ cấu nông nghiệp như vậy, tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong đề xuất tổ chức nghiên cứu để ứng dụng Đề án Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với sự hợp tác của Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với mô hình cánh đồng liên kết của tỉnh Đồng Tháp đang được xây dựng.

Tại buổi làm việc giữa các chuyên gia tư vấn xây dựng đề án và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mới đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và nhiều chuyên gia khẳng định, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao đời sống nông dân, làm đổi mới nông thôn là việc làm cần thiết, cấp bách, như một cách để “trả nợ” nông dân sau bao năm nông dân và nông thôn nỗ lực vượt khó, thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình với đất nước nhưng bản thân họ còn đang khó khăn trăm bề.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Đồng Tháp có thế mạnh để đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp, vì bên cạnh những thế mạnh nền tảng cho nông nghiệp, tỉnh này có sự thống nhất cao trong lãnh đạo tỉnh “quyết một lòng vì dân”; sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nông dân cũng được tỉnh hỗ trợ mạnh mẽ…

TS Đặng Kim Sơn (Trưởng nhóm tư vấn xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp cho tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, quyết tâm thực hiện tốt đề án này tại Đồng Tháp sẽ là đốm sáng lan tỏa ra khu vực ĐBSCL, mở ra con đường đổi mới phát triển nông nghiệp trên cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, cho rằng, thực hiện tái cơ cấu không thể vội vã, phải làm quyết liệt nhưng thận trọng. Bởi tái cơ cấu nông nghiệp không thể thành công qua một, hai mùa vụ mà phải mất nhiều năm, trải qua nhiều bước đi, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa kiến nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách.

Tập quán sản xuất, tư duy quản lý mệnh lệnh hành chính luôn là “sức ì” không dễ thay đổi, nhưng Đồng Tháp phải bắt đầu sớm và có cách làm sáng tạo để về đích sớm. Xây dựng mô hình cho phát triển nông nghiệp phải phù hợp đặc điểm riêng từng địa phương, không thể mặc "đồng phục" cho tất cả các loại nông sản. Đồng Tháp sẽ phát triển nông nghiệp theo cách riêng của mình, xây dựng “cánh đồng liên kết” và “tái cơ cấu nông nghiệp” theo đặc thù của Đồng Tháp.

Vì thế, Đồng Tháp đặt ra 4 định hướng cho phát triển nông nghiệp, gồm: Mục tiêu mũi nhọn là phát triển nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch; Đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp; Khai thác sức mạnh của thanh niên, giới trẻ và chiến lược đào tạo nghề cho lực lượng lao động tham gia xây dựng nền nông nghiệp hiện tại và tương lai; Phát huy vai trò của cộng đồng.

Với các hướng phát triển nông nghiệp như vậy, tỉnh Đồng Tháp vẫn đang rất cầu thị tiếp nhận những góp ý, phản biện rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân để sớm thực sự thành đốm sáng có sức lan tỏa cho nông nghiệp Việt Nam.

VOV online trân trọng là cầu nối để Đồng Tháp và cả nước chung sức “trả nợ” nông dân sao cho hiệu quả.

Mọi ý kiến đóng góp cho cho lộ trình Tái cơ cấu nông nghiệp, vui lòng gửi tới hộp thư noidung@vovnews.vn, hay gửi trực tiếp tới hòm thư điện tử của TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn- Trưởng nhóm nghiên cứu “Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030”; Email:dangkimson@ipsard.gov.vn. Trân trọng cảm ơn”./.

VOV

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn