Tam Nông tập trung toàn lực quyết tâm đạt huyện nông thôn mới năm 2024
Cập nhật ngày: 16/04/2024 13:46:59
ĐTO - Sau hơn 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của huyện Tam Nông có nhiều thay đổi tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Những kết quả phấn khởi trên tạo tiền đề quan trọng để huyện Tam Nông tiếp tục huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, phát huy tốt các nguồn lực, quyết tâm về đích huyện NTM năm 2024.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Nông, qua hơn 13 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, đến nay, huyện Tam Nông đã có 11/11 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó: 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Phú Cường, Phú Thọ và An Hòa. Trong năm 2024, huyện Tam Nông đề ra mục tiêu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Phú Đức, Hòa Bình và phấn đấu về đích huyện đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông chia sẻ: “Theo nghị quyết của Huyện ủy Tam Nông, trong năm 2024, huyện phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM, để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian qua, huyện tập trung toàn lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trên tinh thần đó, ngay từ đầu năm, Phòng NN&PTNT tham mưu Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt kế hoạch năm 2024 của huyện và xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng đơn vị, nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó quan trọng nhất là mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM...”.
Đến nay, huyện Tam Nông đạt 5/9 tiêu chí huyện NTM. Nhằm đạt mục tiêu đưa huyện Tam Nông đạt chuẩn NTM năm 2024, các xã, thị trấn quan tâm đẩy mạnh thực hiện chương trình. Ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành A, cho biết: “Để góp sức cho kết quả chung của huyện, ngay từ đầu năm, xã Phú Thành A đã chủ động xây dựng các phương án duy trì và nâng chất các tiêu chí NTM. Nhằm nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn, xã vận động người dân tham gia các sàn giao dịch việc làm và xuất khẩu lao động; tập trung nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả như: mô hình sản xuất lúa tuần hoàn giảm phát thải khí carbon kết hợp với nuôi trữ cá đồng mùa lũ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, mô hình nuôi cá trạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ, mô hình nuôi lươn thương phẩm. Song song đó, địa phương khuyến khích người dân đẩy mạnh chế biến dựa trên nguồn tài nguyên bản địa sẵn có thông qua Chương trình OCOP; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Tuyến đường nội đồng tại Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thọ C, xã Phú Thọ được bê tông hóa, giúp việc đi lại và sản xuất của người dân thuận lợi hơn
Có thể thấy, qua 13 năm thực hiện xây dựng NTM, diện mạo nông thôn huyện Tam Nông có nhiều thay đổi. Nổi bật, hệ thống giao thông được đầu tư hoàn chỉnh từ các trục giao thông chính cho đến các tuyến giao thông liên ấp, liên xã. Hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hệ thống lưới điện được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đáng chú ý là kinh tế nông thôn của địa phương có bước chuyển biến tích cực. Trong sản xuất nông nghiệp xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, giúp nông dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận... được nhiều địa phương phát triển và nhân rộng. Các mô hình về kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp ngày càng được phát huy, góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn của huyện.
Đi đôi với phát triển nông nghiệp, huyện Tam Nông còn khuyến khích người dân nông thôn đẩy mạnh công nghiệp chế biến thông qua Chương trình OCOP. Theo thống kê của UBND huyện Tam Nông, đến thời điểm hiện tại, huyện có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 27 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện, các sản phẩm OCOP của địa phương đang được tiêu thụ mạnh tại nhiều kênh phân phối trong cả nước và trên các nền tảng thương mại điện tử... Việc đẩy mạnh hoạt động chế biến ở khu vực nông thôn góp phần giúp địa phương giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm áp lực cho khâu tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân...
Qua thời gian thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo quê hương, đời sống Nhân dân huyện Tam Nông ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để duy trì các tiêu chí đạt được và hoàn thiện các tiêu chí đang còn “dang dở” thì rất cần sự chung tay, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, bởi xây dựng NTM là “Chương trình có khởi đầu không có điểm kết thúc”...
Mỹ Lý