Tăng cường thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Cập nhật ngày: 29/05/2024 13:25:59
ĐTO - Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thường xuyên khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ mất an toàn. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng nghiêm túc.
Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đều xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ 10 - 12 đợt đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý như: xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, vàng trang sức, mỹ nghệ, thiết bị điện - điện tử, thép... Nội dung kiểm tra về sự phù hợp của hàng hóa đối với các tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, về ghi nhãn. Kết quả, đa số các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Ngoài ra, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ năm 2016 đến nay, ngành khoa học và công nghệ đã thực hiện 13 đợt khảo sát chất lượng đối với các loại hàng hóa như: thức ăn chăn nuôi, phân bón, rượu, nước uống đóng chai, nước đá... nhằm kịp thời phát hiện những sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường chưa phù hợp theo công bố của đơn vị sản xuất để đề nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành có biện pháp tăng cường thanh, kiểm tra.
Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức 11 cuộc kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra hóa chất 2 cuộc tại 53 doanh nghiệp, cơ sở có hoạt động sử dụng hóa chất công nghiệp, Sở đã kiến nghị và hướng dẫn các cơ sở vi phạm (38 doanh nghiệp, cơ sở) khắc phục một số nội dung liên quan đến huấn luyện an toàn hóa chất, xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, báo cáo tình hình hoạt động hóa chất. Kiểm tra an toàn thực phẩm 9 cuộc tại 120 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; sở đã chấn chỉnh, cho khắc phục tại 61 doanh nghiệp, cơ sở vi phạm về việc chưa đảm bảo các thủ tục, điều kiện theo quy định.
Hàng năm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đều triển khai thanh tra, kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý. Riêng trong năm 2023, đã thành lập 19 Đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 474 lượt cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Qua đó, ngành đã ban hành 75 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền xử phạt trên 655 triệu đồng.
Đối với các lĩnh vực khác, các sở, ngành đều thực hiện tốt hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành (xây dựng; tài nguyên và môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch...); định kỳ tổ chức tập huấn, hướng dẫn các văn bản pháp luật cho các tổ chức cá nhân, sản xuất, kinh doanh, giúp các cơ sở nắm bắt được các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, góp phần hạn chế việc xảy ra các vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Công tác phối hợp trong kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các cơ quan quản lý trên địa bàn triển khai thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng, đúng theo quy chế. Các lực lượng chức năng triển khai, phối hợp thực hiện tốt các kế hoạch chuyên đề, kế hoạch năm về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và công tác phối hợp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trên tuyến biên giới cũng như trong thị trường nội địa, các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau, chia sẻ thông tin để thực hiện tốt chức năng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
TN