Hoạt động Khoa học và Công nghệ
Tập trung các đề tài dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 09/03/2015 13:51:28
Qua một năm thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Đồng Tháp đã tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về KH-CN, tổ chức và khuyến khích nhiều hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH-CN gắn liền với các mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xoài cát từng bước nâng cao vị thế trên thị trường
Nổi bật trong năm 2014, Sở KH-CN Đồng Tháp đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt định hướng nghiên cứu khoa học giai đoạn 2014-2016. Đồng thời, ban hành Quyết định 17 về quản lý và tổ chức các nhiệm vụ về KH-CN cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 24 quy định trình tự thủ tục xác định nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh có sử dụng vốn ngân sách của Nhà nước. Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở KH-CN Đồng Tháp cho biết, việc tham mưu sửa đổi 2 quyết định này nhằm tăng nguồn kinh phí cho các đề tài dự án KH-CN cấp cơ sở, bên cạnh đó đơn giản hóa các thủ tục, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân, các nhà khoa học hoặc cán bộ chuyên môn tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở.
Trong năm qua, tỉnh đã xác định danh mục và thực hiện 15 đề tài, dự án cấp tỉnh. Kết quả, có 10 đề tài được nghiệm thu và đã chuyển giao 13 đề tài ứng dụng cho các tổ chức, đơn vị liên quan, trong đó, có 2 đề tài nổi bật nhất. Đó là đề tài “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa chất lượng cao theo hướng GAP tại tỉnh Đồng Tháp” tại Hợp tác xã (HTX) Tân Cường (huyện Tam Nông). Đề tài đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đạt chứng nhận VietGAP, thu hút sự tham gia của các xã viên với quy mô ban đầu 62,5ha, sau đó nhân rộng ra 1.500ha. Mô hình đã tạo được mối liên kết chặt chẽ của 4 nhà, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận cho nông dân. Đề tài “Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng xoài cát tỉnh Đồng Tháp”, do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì. Đề tài đã phân tích tổng quan về tình hình sản xuất - tiêu thụ xoài trên thế giới và của Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Đồng Tháp; so sánh và tìm ra các trở ngại trong sản xuất và tiêu thụ, đồng thời đưa ra các chuỗi giá trị và phân tích các tác nhân trong chuỗi, từ đó xây dựng mô hình kênh phân phối và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất xoài tại Đồng Tháp. Nhờ đó, bà con nhà vườn đã nhân rộng và mang lại giá trị của xoài bán trên thị trường.
Trong năm 2014, Sở KH-CN đã đăng ký được 4 nhãn hiệu nông sản ra nước ngoài là xoài Cao Lãnh, xoài cát chu Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung và sen Tháp Mười. Như vậy, tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 8 nhãn hiệu nông sản đặc thù của địa phương được cấp văn bằng bảo hộ.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vẫn còn một số điểm hạn chế, một số nhiệm vụ triển khai thực hiện còn chậm. Cụ thể như khâu xây dựng kế hoạch ứng dụng khoa học từ các đề tài dự án đã nghiệm thu, kế hoạch ứng dụng các mô hình KH-CN vào các xã nông thôn mới, việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án, tiến độ sử dụng kinh phí chưa đạt với kế hoạch đề ra.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở KH-CN Đồng Tháp cho biết, năm 2015, tỉnh sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính là: tiếp tục triển khai các nghị định, thông tư để triển khai Luật KH-CN năm 2013 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về KH-CN; hoạt động KH-CN và chuyển giao KH-CN sẽ phối hợp với các ngành để tập trung các đề tài dự án nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ có những ưu tiên chọn lựa những nhóm nghiên cứu, ứng dụng để phục vụ cho những nhu cầu cấp thiết từng vùng trong tỉnh. Qua đó, góp phần tác động vào hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Thảo Vy