Huyện Lấp Vò
Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 11/08/2022 05:40:43
ĐTO - Để phát huy các tiềm năng, lợi thế, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lấp Vò đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Điều này góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, nâng cao chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.
Khoai môn - một trong những cây trồng quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Lấp Vò
Theo UBND huyện Lấp Vò, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện đã chỉ đạo lồng ghép nội dung tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) thông qua những lớp tập huấn, hội nghị. Nhờ đó, nhận thức về TCCNNN của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt.
Những tháng đầu năm 2022, toàn huyện thực hiện liên kết tiêu thụ lúa vụ đông xuân và hè thu khoảng 4.000ha. Trong đó, để đảm bảo sản xuất theo hướng bền vững, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ các xã thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng đối với cây lúa; hỗ trợ các xã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng thiết bị bay trong phun thuốc bảo vệ thực vật với 157ha ở các xã: Vĩnh Thạnh, Bình Thạnh Trung, Định Yên...
Đối với cây màu, huyện cũng tiếp tục theo dõi một số mô hình sản xuất theo hướng an toàn như: khoai môn theo hướng an toàn ở các xã: Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, Tân Mỹ; mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Định An; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt ở xã Tân Khánh Trung. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ các xã thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường khó tính và thị trường Trung Quốc; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện vùng sản xuất nông nghiệp ở xã Mỹ An Hưng A, quy mô 126ha. Về cây ăn trái, huyện cũng hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất theo hướng VietGAP để sản phẩm đảm bảo an toàn với khoảng 90ha ở các xã: Hội An Đông, Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B, Tân Khánh Trung, Định An. Đồng thời rà soát các mã số vùng trồng đã được cấp; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ hợp tác cây ăn trái đăng ký mã số vùng trồng; tạo điều kiện để nông dân thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo đúng quy định nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn.
Đối với ngành hoa kiểng, toàn huyện có tổng diện tích 321ha (tăng 139ha so với năm 2021), trồng các loại: bông giấy, bông trang, hoa sứ, phong lan, kim phát tài, cây công trình, bonsai... Huyện cũng triển khai thực hiện nhiều lớp đào tạo nghề hoa kiểng về kỹ thuật trồng và chăm sóc; tạo điều kiện cho các hộ dân trồng hoa, kiểng vay vốn phát triển sản xuất từ nguồn vốn ủy thác của huyện...
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục theo dõi, triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông trong hỗ trợ Đề án TCCNNN. Trong đó, tiếp tục theo dõi các mô hình liên kết sản xuất lúa của các xã với các công ty như: Tập đoàn Lộc Trời, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Công ty CP giống Đồng Tháp; tiếp tục lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng đối với cây lúa theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chúng tôi cũng tập trung thực hiện các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số trong vùng sản xuất màu trọng điểm. Cùng với đó, tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện chứng nhận VietGAP cây ăn trái do kinh phí tỉnh hỗ trợ; phát huy vai trò của kinh tế hợp tác trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”.
Huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn làm cầu nối, tạo điều kiện cho một số đơn vị tiêu thụ nông sản và các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, bàn hướng thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng lúa, hoa, màu và cây ăn trái đăng ký mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng để xuất khẩu...
Trang Huỳnh