Tháo gỡ khó khăn cho thực hiện VietGAP trên cá tra
Cập nhật ngày: 01/06/2015 13:39:59
Thực hiện nuôi cá tra theo quy trình VietGAP là cơ sở để chứng minh chất lượng cá tra của Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được quốc tế công nhận đã khiến cho cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi thủy sản vẫn đang phân vân.
Thực hiện VietGAP nền tảng để xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản thì Đồng Tháp có nhiều lợi thế trong việc thực hiện tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi cá tra, vì hiện tại, có hơn 75% diện tích vùng nuôi của tỉnh thuộc quyền sở hữu của các công ty chế biến, do công ty có nhiều điều kiện nên việc tổ chức triển khai VietGAP sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, 25% diện tích còn lại được đánh giá là thực hiện khó khăn thuộc sở hữu của nông hộ, trình độ nuôi trồng còn nhiều hạn chế.
Theo ông Như Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, tiêu chuẩn VietGAP ra đời dựa trên 4 tiêu chí chính: chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh - vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội. Bộ tiêu chuẩn này được đưa ra nhằm đồng bộ hóa với các tiêu chí GlobalGAP, ASC; giúp cho mặt hàng cá tra Việt Nam đạt chuẩn những yêu cầu của các nước nhập khẩu, nhờ đó thâm nhập dễ dàng hơn vào các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, thực hiện theo quy trình VietGAP giúp người nuôi kiểm soát được chất lượng con giống đầu vào, truy xuất được nguồn gốc con giống rõ ràng. Điều này giúp nông dân kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng cá giống và cá phát triển đồng đều hơn giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi, tăng năng suất và lợi nhuận cho người nuôi, bảo vệ môi trường nuôi tốt hơn, tránh được các thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai VietGAP cả nông dân và về mặt quản lý nhà nước cũng đang gặp khó khi hiện nay ngoài tiêu chuẩn VietGAP thì còn nhiều bộ tiêu chuẩn về sản xuất an toàn khác như: ASC, GlobalGAP, BAP... vẫn được công nhận song song. Hơn thế, hiện nay các thị trường nhập khẩu cá tra vẫn chưa công nhận tiêu chuẩn VietGAP mà Việt Nam đang xây dựng.
Ông Lê Văn Tiên ngụ ấp Tân An, xã An Nhơn, Châu Thành cho hay, hiện nay dù yêu cầu thực hiện theo tiêu chuẩn nào thì nông dân chúng tôi cũng sẽ cố gắng tiếp cận và thực hiện tốt để đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, giá cá sản xuất theo quy trình thường và quy trình an toàn vẫn chưa có gì khác biệt. Đối với thực hiện theo quy trình VietGAP thì nhà nước chỉ hỗ trợ chứng nhận lần đầu, còn các lần tái chứng nhận tiếp theo thì nông dân phải tự thực hiện và với chúng tôi khoản chi phí đó không hề nhỏ”.
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Thực hiện tốt quy trình VietGAP sẽ đưa thương hiệu cá tra của Việt Nam phát triển bền vững trên thị trường quốc tế. Mặc dù giai đoạn đầu thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá tra. Trong đó, giải pháp liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ lại với nhau thành một vùng nuôi lớn nhằm giảm chi phí kiểm tra, đánh giá chứng nhận VietGAP thay việc áp dụng chứng nhận ở từng hộ riêng lẻ. Đồng thời, để áp dụng thành công VietGAP trong nuôi cá tra nói riêng và thủy sản nói chung, thời gian tới cần xúc tiến các vấn đề về kỹ thuật để tạo niềm tin và thừa nhận bộ quy phạm VietGAP trên thị trường thế giới, đàm phán với các tổ chức quốc tế công nhận tiêu chuẩn VietGAP mà chúng ta đang xây dựng. Điều quan trọng là thúc đẩy tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm theo giá cả hợp lý với hộ nuôi và sản xuất kinh doanh đang áp dụng bộ quy phạm VietGAP”.
Minh Nhật
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, đến ngày 20/5/2015, toàn tỉnh có trên 1.400ha nuôi cá tra. Trong đó có 938ha đã và đang áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và có hơn 490ha đã được cấp chứng nhận VietGAP. Theo mục tiêu đề ra, đến cuối năm nay 100% diện tích ao nuôi cá tra sẽ đạt chuẩn VietGap hoặc các tiêu chuẩn tương đương.
|