Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Cập nhật ngày: 13/12/2021 05:27:29

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211213094001thagoo4.mp3

ĐTO - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 (do Thủ tướng quyết định thành lập) vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 với các địa phương: Đồng Tháp, Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp.


Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Tại tỉnh Đồng Tháp, đối với vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh giao kế hoạch vốn cao hơn Thủ tướng Chính phủ giao là 639.898 triệu đồng từ nguồn kết dư, tăng thu ngân sách của địa phương (kế hoạch vốn Thủ tướng giao là 3.224.980 triệu đồng). Tổng số vốn đầu tư giải ngân thuộc địa phương quản lý đến ngày 30/11/2021 là 2.257.580 triệu đồng, đạt 50,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước là 15,4%, (tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước đến 30/11/2021 là 65,7%); đạt 44% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao.

Kế hoạch vốn đầu tư các năm trước của tỉnh kéo dài sang năm 2021 là 1.458.308 triệu đồng; giải ngân đến ngày 30/11/2021 là 702.207 triệu đồng, đạt 48,2% kế hoạch vốn, thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước là 12,6%, (tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 bình quân chung cả nước đến ngày 30/11/2021 là 60,8%).

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho rằng, kết quả giải ngân của tỉnh chưa cao theo mục tiêu đề ra, do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan là đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát; các dự án chưa triển khai theo đúng kế hoạch, từ các gói thầu xây lắp (các nhà thầu không đảm bảo nguyên tắc “3 tại chỗ”, nhất là các nhà thầu ngoài tỉnh, phải giảm số lượng nhân công, thiếu vật tư...), giải phóng mặt bằng (do tạm hoãn di dời hạ tầng điện, nước, vật kiến trúc ra khỏi phạm vi dự án); sự khan hiếm cát san lấp, đất đắp đê, giá sắt, thép, xi măng tăng cao đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của dự án... Nguyên nhân chủ quan là trách nhiệm cơ quan sử dụng vốn chưa được đề cao, công tác chuẩn bị đầu tư chưa được chủ đầu tư quan tâm, dẫn đến chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, phải liên tục điều chỉnh, dẫn đến công tác lập, đăng ký kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tế; công tác thẩm định đôi lúc còn chậm, do thẩm định cùng lúc nhiều dự án; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn nước ngoài còn bất cập; một số chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực; việc xử lý vi phạm trễ hợp đồng thi công chưa nghiêm...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ghi nhận những nỗ lực của các địa phương để giải ngân vốn đầu tư công trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp và yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo quyết định của Chính phủ, góp phần kích cầu, phát triển kinh tế - xã hội; thủ tục đầu tư chậm là một trong những nguyên nhân chính làm chậm giải ngân nên các địa phương phải đặc biệt quan tâm, có giải pháp khắc phục ngay để thực hiện tốt hơn. Bộ trưởng ghi nhận nhiều kiến nghị của lãnh đạo các địa phương và cho biết sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn