Tháp Mười tạo nhiều chuyển biến trong kinh tế nông nghiệp

Cập nhật ngày: 07/07/2022 06:05:15

ĐTO - Qua thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười đã chuyển biến tích cực, hạ tầng nông nghiệp được đầu tư nâng cấp, cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh, sản xuất hàng hóa truyền thống chuyển sang sản xuất chuyên sâu, kết hợp sơ chế, chế biến sau thu hoạch, nâng cao giá trị nông sản, dịch vụ nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Đặc biệt, tư duy sản xuất của nông dân dần thay đổi, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.


Mô hình nuôi vịt rọ sinh sản ở Tháp Mười

Những tháng đầu năm 2022, các ngành hàng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện (lúa gạo, sen, vịt, ếch, cá sặc rằn, cây ăn trái (cây mít)) tiếp tục được duy trì và phát triển. Theo đó, diện tích liên kết tiêu thụ lúa đến nay là 15.824ha/24.000ha, đạt 65,89% so với kế hoạch, giảm hơn cùng kỳ 2.624ha, sản lượng khoảng 110.772 tấn.

Ngành hàng cá sặc rằn, huyện đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai hỗ trợ nông dân thực hiện VietGAP với 19,18ha của 12 hộ tại Thuận Phát Hội quán. Ngành hàng sen, huyện đã và đang tích cực trong việc phục hồi và phát triển diện tích, từ đâu năm đến nay, đạt tổng diện tích gieo trồng 137ha và đã có các công ty đến tìm hiểu liên kết sản xuất với người dân.

Ngành hàng vịt số lượng nuôi trong 3 tổ hợp tác là 82.850 con, giảm 17.650 con so với cùng kỳ. Các tổ hợp tác hiện chưa liên kết tiêu thụ với công ty hay doanh nghiệp, bán trứng vịt cho các thương lái tự do (khách hàng lâu năm), giá trứng thương lượng theo thời điểm thị trường. Trên địa bàn huyện có 1 trang trại nuôi vịt rọ kết hợp điện mặt trời cho hiệu quả kinh tế cao và có liên kết tiêu thụ với hệ thống của Bách Hóa Xanh.

Ngành hàng trái cây (mít), do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Riêng ngành hàng ếch, đầu năm thức ăn tăng cao, nhưng bù lại, nông dân bán được giá cao (khoảng 30.000 đồng – 48.000 đồng/kg) nên vẫn đảm bảo có lãi.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 14 vùng trồng cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng với 194,66ha/188 hộ. Trong đó, có 1 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật thông báo chính thức cấp 2 mã số xuất khẩu sang Úc và Newzealand, còn lại 13 vùng đã được cấp mã số nhưng đợi Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Cơ quan kiểm dịch thực vật Hoa Kỳ (APHIS) kiểm tra chấp nhận thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo chính thức mã số vùng trồng.

Huyện có 15 sản phẩm đạt hạng OCOP từ 3 đến 4 sao, chủ yếu là các sản phẩm từ cây sen. Theo đó, năm 2019, có 4 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Hạt sen sấy bơ, Rượu hồng sen tửu, Rượu hồng sen tửu đặc biệt và Trà tim sen của Công ty Cổ phần Đầu tư - Thương mại - Du lịch Đồng Tháp Mười; 2 sản phẩm gồm: Trà hoa sen (4 sao); Trà Hà Diệp Liên (3 sao) của Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Khánh Thu. Năm 2020, có 3 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Hạt sen tươi, Hạt sen sấy, Củ sen cắt lát của Chi nhánh tại Đồng Tháp - Công ty Sen Đại Việt; 1 sản phẩm đạt 3 sao là Khô cá sặc rằn của Cơ sở Khô Dân Mập và 1 sản phẩm đạt 3 sao là Khô cá sặc rằn của Cơ sở sản xuất khô cá sặc rằn Hùng Hồng.

Năm 2021, có 2 sản phẩm đạt 3 sao: Trà tim sen; Trà hoa sen của Chi nhánh tại Đồng Tháp - Công ty Sen Đại Việt; 1 sản phẩm đạt 3 sao: Sữa sen bột của Cơ sở Diễm Thúy 2; 1 sản phẩm đạt 3 sao: Detox lá sen Hà Diệp Liên của Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Khánh Thu. Huyện cũng đã ban hành kế hoạch về tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022.

Đến nay, đã hướng dẫn cho cán bộ phụ trách và chủ thể ở các xã: Mỹ An, Phú Điền, Đốc Binh Kiều, Mỹ Đông và Trường Xuân dự kiến tham gia OCOP thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện tham gia, phấn đấu trong đợt 1/2022 sẽ có 2 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng.

Những năm gần đây, nhiều người trong và ngoài tỉnh rất quan tâm đến mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 tại huyện Tháp Mười. Mô hình này là tổng hợp các mô hình khác nhau được thực hiện trên cùng một cánh đồng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 như: mô hình canh tác lúa lý tưởng thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm”; mô hình “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm”.

Điểm chung của các mô hình này là thực hiện đồng bộ cả một gói giải pháp kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa từ làm khâu đất, cấy bằng máy, bón phân thông minh (phân chậm tan), quản lý dịch hại bằng mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh - sử dụng thiết bị bay không người lái (Drone) khi phun thuốc bảo vệ thực vật, đến chăm sóc, thu hoạch và gắn liên kết - tiêu thụ cho các công ty, doanh nghiệp.

Thực hiện mô hình giúp nông dân nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng các khâu quan trọng như: giảm giống gieo sạ, giảm số lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước, quản lý nước ngập, khô xen kẽ bằng hệ thống bơm tưới tự động, sử dụng phân thông minh duy nhất chỉ bón 1 lần cho cả quá trình sinh trưởng cây lúa, góp phần giảm phát khí thải nhà kính. Bên cạnh đó, giúp giảm chi phí sản xuất từ 150 -250 đồng/kg, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân từ 5 - 8 triệu đồng/ha so với canh tác bình thường; tạo được vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới thực hiện cánh đồng lớn, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.

Theo đánh giá, công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của huyện Tháp Mười những tháng đầu năm 2022, đạt được nhiều kết quả khả quan, chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp được tổ chức, sắp xếp lại, hạ tầng nông nghiệp được đầu tư nâng cấp, cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh, từ đó, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt tăng lên. Trong đó, nổi bật là các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn