Thị trường vật liệu xây dựng: giá bình ổn, sức mua yếu

Cập nhật ngày: 23/04/2014 12:33:08

Vật liệu xây dựng (VLXD) là một trong những mặt hàng phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình dân sinh, công cộng. Tuy nhiên, trái với quy luật tăng giá trong mùa khô như mọi năm, thị trường VLXD đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo khảo sát, năm nay được xem là năm khó khăn trong việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh VLXD trong tỉnh. Bởi từ đầu năm đến nay, sức mua giảm khiến lượng hàng tồn kho của nhiều đơn vị tăng lên, tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh.


Giá cả các mặt hàng VLXD đang bình ổn

Điểm mấu chốt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh VLXD hiện nay là giá các vật tư, nhiên liệu đầu vào đều tăng: giá điện tăng, giá vỏ bao tăng... đẩy các doanh nghiệp vào cảnh khó. Ghi nhận tại một số cửa hàng VLXD tại TP.Cao Lãnh cho thấy, sức mua không đáng kể, nhất là ở nhóm hàng sắt, thép, xi-măng. Hiện giá bán nhiều mặt hàng giảm 3-5% so với thời điểm đầu năm 2014 như: sắt phi 6-25 giá 13.500-15.000 đồng/kg; sắt phi 6-8 Pomina giá 14.500 đồng/kg; sắt phi 14 (Ý) giá 235.000 đồng/cây. Thép Liên doanh Việt - Nhật loại phi 10 giá 102.000 đồng/cây; thép phi 12 giá 145.000 đồng/cây; thép Miền Nam loại phi 12 giá 143.000 đồng/cây; loại phi 18 giá 327.000 đồng/cây. Xi-măng Hà Tiên 2 giá 86.000 đồng/bao; xi-măng Holcim giá 88.000 đồng/bao; xi-măng Lavilla giá 84.500 đồng/bao.

Các loại gạch dùng cho xây dựng cũng khá đa dạng, giá ổn định hơn từ 700 đồng - 1.300 đồng/viên. Trong đó, loại gạch thẻ được khá nhiều chủ công trình sử dụng, giá cao nhất 1.200 đồng/viên; gạch ống khoảng 1.000-1.300 đồng/viên. Theo các chủ cửa hàng VLXD, thời điểm hiện tại, thị trường VLXD sôi động hơn những tháng trước, nhưng sức mua vẫn giảm khoảng 20%-30% so với cùng thời điểm năm 2013. Theo anh Đỗ Thành Trân - Giám đốc Công ty TNHH VLXD Thành Trung thuộc xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh, thị trường VLXD trong năm chia làm 3 đợt, từ tháng 1 đến tháng 6 là đợt đầu tiên; đợt hai bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8, đợt này sức mua rất chậm do rơi vào tháng mưa dầm; đợt 3 tháng cuối năm cho đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán là thời điểm người bán trông đợi nhất. Hiện nay, do lượng khách tăng không đáng kể, nên hầu hết các sản phẩm đều giữ giá ổn định, chỉ có một số sản phẩm tăng nhẹ.

Qua khảo sát, hiện nay, các mặt hàng VLXD trong nước sản xuất đang phải cạnh tranh quyết liệt hơn với các hãng ngoại nhập. Cũng như nhiều nhóm hàng hoá khác, VLXD xuất xứ Trung Quốc đang chiếm một tỷ lệ khá lớn trên thị trường. Tại các cửa hàng bán VLXD, mặt hàng gạch ốp lát Trung Quốc giá bán thường rẻ hơn hàng Việt Nam từ 20%-30%. Cô Nguyễn Thị Thu Thảo - Chủ cửa hàng VLXD và trang trí nội thất Phước Thảo trên đường 30/4, TP.Cao Lãnh cho biết: “Ngoài ưu thế giá rẻ, gạch ốp lát xuất xứ Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, màu sắc so với các mặt hàng sản xuất trong nước. Tốc độ ra mẫu mới, màu mới của hàng trong nước chậm hơn so với hàng Trung Quốc. Do đó, phần lớn cửa hàng vẫn bán hàng Trung Quốc vì đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.”

Mặt khác, các thiết bị vệ sinh cho thấy rõ hơn sự phân chia thị trường. Những công trình cao cấp, công trình dân dụng của các hộ thu nhập cao chọn những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc như: Ceasar, American Standard, Inax... có giá thành từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng một bộ sản phẩm. Những sản phẩm “nội” như Thiên Thanh, Dona, Viglacera... có giá 8-10 triệu đồng/bộ lại được nhiều người tiêu dùng trong nước chọn mua. Vì vậy, hàng Việt có ưu điểm về giá rẻ, song ưu điểm này cũng đang bị cạnh tranh, bởi hàng Trung Quốc với kiểu dáng đẹp, hiện đại và hợp lý. Tuy nhiên, các mặt hàng này đôi khi trôi nổi, có xuất xứ không rõ ràng, chất lượng không được kiểm soát.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn