Thu hút đầu tư phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Cập nhật ngày: 14/02/2025 11:24:51

ĐTO - Sáng ngày 14/2, tại TP Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam tổ chức hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam; tỉnh Đồng Tháp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện.


Quang cảnh hội nghị

Theo Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tăng trưởng xanh giữ vững vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa; tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính,…

Thời gian qua, việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tăng trưởng xanh đã hướng đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện các trung tâm hậu cần và đổi mới sáng tạo, đồng thời cải tiến các gói kỹ thuật dựa trên kỹ thuật 1 phải 5 giảm; hỗ trợ tái tổ chức sản xuất nông hộ thông qua tăng cường các tổ chức nông dân và hợp tác xã; đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân về canh tác bền vững, quản lý trang trại, áp dụng công nghệ kỹ thuật số và các lĩnh vực liên quan khác bao gồm: giám sát, báo cáo và thẩm định tín chỉ các bon (MRV). Đề án cũng huy động các nguồn lực tài chính và kỹ thuật trong nước và quốc tế, bao gồm Quỹ hỗ trợ khí hậu và các bon (RBC/CF) dựa trên kết quả để hỗ trợ sản xuất lúa gạo các bon thấp và thực hiện hệ thống MRV để cấp tín chỉ các bon cho các vùng trồng lúa các bon thấp; cải thiện hệ sinh thái trong nước để hỗ trợ chuyển đổi ngành lúa gạo chất lượng cao và các bon thấp, bao gồm khả năng tiếp cận tài chính cơ chế chi trả các bon dựa trên kết quả, cơ chế chia sẻ lợi ích…

Tại hội nghị, các đại biểu và chuyên gia phân tích nhiều nội dung quan trọng như: đánh giá nhu cầu đầu tư, ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong các hợp tác xã, chuỗi giá trị liên kết; chia sẻ bài học kinh nghiệm từ kết quả Dự án thí điểm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nông nghiệp vùng ĐBSCL; giới thiệu các công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm hỗ trợ hợp tác xã tối ưu hóa sản xuất. Đồng thời, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế trình bày về cơ hội hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, tạo tiền đề cho những sáng kiến mới trong ngành lúa gạo.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của hội nghị là vinh danh các hợp tác xã trong Dự án đi đầu trong đổi mới với Giải thưởng “Hợp tác xã tiên phong ứng dụng phần mềm chuyển đổi số”.

Bên cạnh đó, hội nghị góp phần tạo động lực thúc đẩy đầu tư, hợp tác và ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, giúp hợp tác xã và nông dân tiếp cận các giải pháp tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, giảm phát thải và gia tăng giá trị nông sản. Đây cũng là cơ hội để thiết lập các mối quan hệ hợp tác dài hạn, hỗ trợ các địa phương và hợp tác xã triển khai hiệu quả mô hình sản xuất lúa gạo bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế…

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn