Tân Hồng
Thu hút doanh nghiệp tham gia vào mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ
Cập nhật ngày: 25/07/2014 03:51:35
Những năm qua, mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ được huyện Tân Hồng thực hiện mang lại nhiều hiệu quả cho nông nghiệp địa phương. Nhằm phát huy những thế mạnh của mô hình, huyện Tân Hồng xây dựng kế hoạch phát triển cánh đồng liên kết đến năm 2025, hướng đến sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu liên kết của doanh nghiệp...
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, trong năm 2013, toàn huyện liên kết với các doanh nghiệp được trên 5.500ha. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, huyện liên kết với các doanh nghiệp ADC, Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng được trên 6.000ha.
Ông Nguyễn Văn Tài - Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hồng nhận định: “Thời gian qua, huyện thực hiện mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, bài toán không có đầu ra của lúa hàng hóa được giải quyết thấu đáo. VNgoài ra, đây còn là điều kiện giúp người nông dân tiếp cận với việc sản xuất theo hướng mới, nhằm tăng năng suất và chất lượng lúa hàng hóa”
Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện, Công ty TNHH MTV Tân Hồng là đơn vị tham gia vào mô hình liên kết tiêu thụ khá tốt. Thế mạnh của doanh nghiệp là có đội ngũ nhân viên hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa không tính lãi. Đồng thời sau khi thu hoạch, nông dân còn được hỗ trợ bao bì, chi phí sấy lúa, chi phí vận chuyển, hỗ trợ trữ lúa chờ giá trong 30 ngày. Với những ưu đãi đó, giúp cho việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được thuận lợi.
Tuy nhiên, trong liên kết tiêu thụ, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn nhất định, nông dân quen với sản xuất truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; giá cả thu mua của doanh nghiệp đôi khi chưa theo kịp giá cả thị trường. Đáng quan tâm là việc “bẻ kèo” giữa nông dân và doanh nghiệp khiến cho công tác vận động tham gia vào cánh đồng liên kết khó khăn.
Tiến tới khai thác sâu mô hình liên kết phục vụ sản xuất nông nghiệp địa phương, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện cánh đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ năm 2015 và giai đoạn 2016-2025.
Tinh thần của kế hoạch là giúp người nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm khối lượng lớn, có chất lượng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Theo lộ trình, trong năm 2015, diện tích liên kết sản xuất là 10.000 ha, đến năm 2025 diện tích sẽ tăng lên 20.000ha. Trong đó, các doanh nghiệp mà huyện hướng tới liên kết là Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng, Công ty ADC và các công ty khác.
Trong liên kết tiêu thụ, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, từ đó định hướng của huyện là đẩy mạnh kêu gọi thu hút nhiều doanh nghiệp uy tín đến tham gia vào những cánh đồng của huyện. Hiện nay, Công ty ADC có định hướng thành lập nhà máy để thực hiện liên kết tiêu thụ với nông dân.
Ngoài ra, nhằm tạo liên kết sản xuất đồng bộ, huyện còn hướng tới củng cố các hợp tác xã có tiềm năng và giải thể những hợp tác xã hoạt động không hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, việc phát triển cánh đồng sản xuất sẽ tạo ra nhiều tiềm năng mới, song cũng gặp nhiều khó khăn nhất định. Trong điều kiện hiện nay, huyện quan tâm thực hiện là thẩm định hợp đồng, bởi thời gian qua một số yếu tố chưa chặt chẽ của hợp đồng đã xảy ra trường hợp giữa doanh nghiệp và người nông dân “bẻ kèo” với nhau. Song song đó, huyện đẩy mạnh khâu vận động người dân tham gia vào cách đồng liên kết...
K.D