Thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực may mặc

Cập nhật ngày: 04/04/2014 06:22:54

Năm 2013, huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự được xem là 2 địa phương thực hiện khá hiệu quả việc thu hút các công ty, xí nghiệp may mặc đầu tư tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế vùng giáp biên.


Doanh nghiệp may mặc góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nữ

Công ty TNHH Phương Ngọc Thúy là một trong số nhiều công ty may mặc vừa mới đi vào hoạt động trên địa bàn thị xã Hồng Ngự. Với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, Công ty đã thu hút lượng lao động khá lớn tại các xã, phường của thị xã Hồng Ngự và nhiều địa phương lân cận. Tại đây, nhiều anh chị em công nhân rất phấn khởi vì có việc làm và thu nhập ổn định. Chị Tạ Thị Hà - một công nhân mới vào làm tại Công ty chia sẻ: Trước kia, tôi và nhiều chị em trong xóm chủ yếu đi làm ở Bình Dương. Từ khi Công ty TNHH Phương Ngọc Thúy mở xưởng may tại đây, tôi và những chị em khác quay về làm bởi điều kiện ở đây thuận lợi cho việc chăm sóc gia đình và đỡ tốn chi phí.

Theo ông Bùi Hồng Sơn - phụ trách công tác nhân sự của Công ty TNHH Phương Ngọc Thúy, hiện Công ty đang có nhu cầu mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu may gia công cho các đối tác nước ngoài. Với mặt hàng chủ lực là áo sơ mi, mỗi ngày sản xuất hàng ngàn sản phẩm các loại, do đó, Công ty đang có nhu cầu tuyển thêm vài trăm công nhân trong thời gian tới. Về phía người lao động cũng không cần “băn khoăn” về tay nghề, bởi Công ty đã trang bị dây chuyền học việc dành cho công nhân chưa có tay nghề.

Tại huyện Hồng Ngự, với lợi thế nguồn lao động dồi dào, cộng thêm sự “tiếp sức” của chính quyền địa phương trong công tác vận động, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp may mặc, thủ công mỹ nghệ đầu tư trên địa bàn huyện.

Ông NguyễnVăn Mến - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hồng Ngự cho biết, hiện toàn huyện có trên 10 cơ sở may mặc, đan ghế nhựa, giải quyết cho trên 4.700 lao động trong năm 2013. Thời gian tới, sẽ có thêm một số doanh nghiệp, công ty đi vào hoạt động. Trong số này có các công ty đầu tư trên địa bàn các xã vùng cù lao, vùng biên giới như Công ty may Tuyết Thành, Công ty Tuyết Sang, Công ty Gia Bảo... với tổng vốn hàng chục tỷ đồng góp phần phát triển kinh tế địa phương và giúp cho đời sống người dân không bị xáo trộn do phải di chuyển tìm việc làm.

Với mức lương ổn định (trung bình từ 1,6 - 4 triệu đồng/tháng), hiện tại nhiều lao động địa phương đã an tâm làm việc tại quê nhà. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào ngành công nghiệp may mặc tại địa bàn các huyện, thị giáp biên, cho thấy các huyện vùng biên đã có những bước đi chủ động về đào tạo nguồn lao động, các chính sách thu hút đầu tư cũng như sự hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư. Điều này, không chỉ giúp các huyện giáp biên mở ra cơ hội phát triển mới mà còn góp phần tạo những chuyển biến tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn