Ông Trương Ngọc Bé

Thực hiện có hiệu quả mô hình VAC

Cập nhật ngày: 04/04/2014 10:47:25

Những năm gần đây, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), nhiều nông dân đã cải thiện được kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu, trong đó có ông Trương Văn Bé ở phường 6, TP.Cao Lãnh.


Kỹ thuật cho trái mùa nghịch đem lại lợi nhuận kinh tế cao
cho gia đình ông Bé

Mô hình trồng xoài kết hợp thả cá và nuôi gà của ông Trương Ngọc Bé là một điển hình tiên tiến. Nhận thấy, cây xoài là loại cây phù hợp với vùng đất Cao Lãnh và cho lợi nhuận kinh tế cao nên năm 2000, ông Bé đã chuyển 1,3ha vườn tạp sang trồng xoài. Nhờ năng động trong quá trình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ông Bé đã trồng xen canh các loại cây phù hợp theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Trong thời gian chăm sóc và chờ xoài cho thu hoạch, ông Bé còn tận dụng những khoảng trống trong vườn trồng thêm một số loại hoa kiểng và cây công nghiệp ngắn ngày như: mai, mía... mỗi năm đem lai thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ngoài ra, ông còn tận dụng khoảng 0,3ha mặt nước để thả một số loại cá như: tai tượng, hường, rô phi, mè và kết hợp thả gà trong vườn. Ước tính, trên 1,5ha vườn, mỗi năm tổng thu nhập của ông Bé trên 500 triệu đồng.

Để đạt được kết quả như ngày hôm nay là một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ của ông Trương Ngọc Bé. Mặc dù, cây xoài là loại cây chủ lực và là thế mạnh của vùng đất Cao Lãnh nhưng xoài thường bị rớt giá, “dội chợ” khi vào mùa. Ý thức được những khó khăn và rủi ro đó, ông Bé tiến hành nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi để tiến hành cho trái nghịch vụ. Hiện nay, trung bình mỗi năm vườn xoài nhà ông cung cấp cho thị trường trên 40 tấn xoài. Nhờ cho trái nghịch vụ và luân canh quanh năm nên vườn xoài nhà ông luôn bán được giá cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Chúng tôi hỏi về hướng đi mới trong thời gian tới, ông Bé không ngại ngần chia sẻ: “Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo khu vườn, mở rộng mô hình. Tôi sẽ cố gắng vận động bà con nhà vườn tham gia ngày càng nhiều vào các mô hình kinh tế hợp tác nhằm tạo vùng nguyên liệu rộng lớn ở địa phương. Từ đó, có được những sản phẩm đồng nhất, đáp ứng tốt cho nhu cầu xuất khẩu. Tôi cũng hi vọng, từ những cố gắng đó sẽ góp phần tăng thu nhập cho cho bà con nhà vườn, giúp bà con tiến tới làm giàu trên chính mảnh vườn của mình”.

Ông Trương Văn Bé không chỉ là nông dân sản xuất giỏi mà trong cuộc sống hằng ngày, ông rất hòa nhã và là người hay giúp đỡ chòm xóm, cũng như tận tình chia sẻ kinh nghiệm làm vườn của mình với bà con. Ông Bé phân trần: “Dân có giàu, nước mới mạnh, mà chỉ một mình mình giàu thì cũng không giải quyết được việc gì. Bởi thế, tôi muốn quê hương, làng xóm của tôi ai cũng có thể phát triển kinh tế bền vững, ổn định”. Không những nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn mà đối với các hoạt động xã hội ông Bé còn là người rất năng nỗ, nhiệt huyết. Hiện tại, ông đã giúp đỡ vốn và phương tiện phát triển kinh tế cho 5 hộ nghèo thoát khỏi hoàn cảnh túng thiếu, vươn lên phát triển kinh tế bền vững.

Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) tỉnh cho biết: “Ông Bé không những là một nhà vườn giỏi mà còn là một hội viên rất năng nổ, có nhiều cống hiến trong hoạt động của HLV tỉnh. Chính nhờ sự cố gắng của ông trong quá trình phát triển kinh tế và đóng góp của ông trong HLV mà những năm qua ông Bé đã nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và Trung ương HLV Việt Nam.”

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn