Thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế

Cập nhật ngày: 11/03/2024 14:46:18

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240311024711dt2-3.mp3

 

ĐTO - Thực hiện các Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA và Hiệp định RCEP, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Ứng dụng nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Theo đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đã tạo bước chuyển mình cho kinh tế địa phương nói chung và nền nông nghiệp tỉnh nói riêng. Thông qua việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án của đề án đã đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định cho công nghiệp chế biến xuất khẩu; giúp cho khu vực kinh tế nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng, đồng thời cung cấp đủ nguồn nguyên liệu (lúa gạo, cá tra...) phục vụ tốt nhu cầu xuất khẩu kể cả doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh đã đạt những kết quả nhất định, giá trị sản xuất công nghiệp được củng cố, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với phát triển sản phẩm mới, ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất các sản phẩm gia tăng từ nông sản, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với phát triển sản phẩm mới. Thông qua Chương trình khuyến công đã thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ máy móc, thiết bị và đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm mới, góp phần vào thắng lợi chung của toàn ngành công nghiệp. Đến cuối năm 2023, tỉnh có 105 sản phẩm (còn giá trị chứng nhận) đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 28 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 10 sản phẩm đạt cấp Quốc gia.

Mặt khác, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh, đa dạng hóa, thương mại hóa, nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt, một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... hàng hóa của Đồng Tháp đều tiếp cận được.

Quy hoạch phát triển ngành thương mại tiếp tục phát huy vai trò trong thúc đẩy hoạt động thương mại, duy trì phát triển; chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, kết nối cung cầu tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước triển khai thiết thực, có hiệu quả.

Đề án phát triển du lịch tỉnh được tiếp tục triển khai thông qua nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết xây dựng các tour và phát triển sản phẩm du lịch mới... trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống của địa phương. Công tác ngoại giao văn hóa với các nước láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam cũng được đẩy mạnh, lượng khách du lịch lữ hành và lưu trú đã có sự tăng trưởng đáng kể.

Tỉnh cũng triển khai công tác hỗ trợ các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ; đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Thap” cho các nhóm sản phẩm chủ lực; cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác và đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, giáo dục, y tế, xuất khẩu lao động, khoa học công nghệ, môi trường...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn