Thực phẩm sạch vẫn còn bỏ ngỏ

Cập nhật ngày: 30/03/2017 10:52:53

ĐTO - Hiện tại, nhu cầu về thực phẩm sạch được nhiều người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn tỉnh rất quan tâm. Tuy nhiên, có một nghịch lý là các cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm sạch phải chật vật tìm đầu ra.


Quầy kinh doanh nông sản an toàn của HTX Tân Phú Đông chưa thu hút được nhiều khách hàng

Khó khăn tìm đầu ra

Thời gian qua, nắm bắt được nhu cầu của xã hội, một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến vấn đề sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch như: Công ty CP thực phẩm sạch FRESH & GREEN (TP.Cao Lãnh), HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phú Đông (TP.Sa Đéc), Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn khóm 4, thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười)... Bên cạnh đầu tư kinh doanh, một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất thực phẩm sạch nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường. Nhưng trên thực tế, các cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm sạch đang phải chật vật tìm đầu ra. Đơn cử như nhóm hàng rau, củ, quả an toàn của một số đơn vị trong tỉnh, mặc dù có tiềm năng phát triển, nhưng sản phẩm này chưa thực sự có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Nguyễn Tiền Giang – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phú Đông cho biết: “Trong quá trình kinh doanh, quầy thực phẩm an toàn của HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì để cung ứng nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thì đơn vị phải tăng chi phí nhưng giá bán không cao hơn. Hơn nữa, sản phẩm nông sản sạch của đơn vị mới chỉ cung cấp được cho một phần nhỏ người dân trên địa bàn TP.Sa Đéc. Các bếp ăn lớn của nhiều đơn vị trên địa bàn chưa thực sự “mặn mà” với nông sản sạch, còn tại các chợ truyền thống thì nông sản sạch hầu như không có chỗ đứng. Với chi phí đầu vào cao nhưng sức tiêu thụ thì doanh nghiệp khó trụ vững được”.

Ngoài HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phú Đông, một số đơn vị kinh doanh nông sản an toàn ở Tháp Mười, Thanh Bình, TX.Hồng Ngự cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cũng phải thừa nhận một điều là bản thân các thương hiệu nông sản sạch vẫn chưa khẳng định được giá trị của mình trên thị trường. Trên thị trường nhiều khi “vàng thau lẫn lộn” khiến NTD chưa thực sự tin tưởng trong khi giá lại cao hơn. Vì vậy, người mua vẫn thích ra chợ truyền thống vừa dễ mua, lại được lựa chọn thoải mái. Chính điều này làm cho nông sản sạch khó có chỗ đứng xứng tầm.

Thực tế, phần lớn NTD còn thiếu niềm tin với nông sản an toàn khi không thể phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn với không an toàn chỉ bằng cảm quan. NTD còn thiếu thông tin về các điểm bán thực phẩm an toàn và vẫn giữ thói quen “tiện chỗ nào mua chỗ nấy”.

Ông Đỗ Văn Thậm – Trưởng phòng Kinh tế TP.Sa Đéc cho biết: “Hiện nay, tâm lý NTD đa số đều muốn chọn sử dụng sản phẩm nông sản sạch, an toàn để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, sự hoài nghi của NTD với các sản phẩm nông sản an toàn trên thị trường là có cơ sở, bởi vẫn có rất nhiều địa chỉ, cơ sở cung ứng nên họ không biết tin vào nơi đâu là sạch. Thực tế cho thấy, mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng tình hình kinh doanh tại Quầy thực phẩm an toàn của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phú Đông vẫn còn gặp khó khăn do chưa chủ động được nguồn nông sản vì phải phụ thuộc từ các đơn vị cung ứng và vị trí kinh doanh chưa phù hợp...”.

Để nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng

Lo ngại sử dụng phải thực phẩm bẩn, chị Trần Thị Loan ngụ phường An Hòa, TP.Sa Đéc tâm sự: “Bản thân tôi mong muốn được sử dụng nông sản an toàn để đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, rất mong có nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm sạch để phục vụ nhu cầu NTD”.

Theo Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, thời gian tới, chính quyền địa phương và các ngành chức năng thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu thế nào là nông sản an toàn và các địa chỉ đã được chứng nhận an toàn thực phẩm theo chuỗi để người dân có thể tìm mua. Địa phương sẽ hỗ trợ Quầy kinh doanh thực phẩm an toàn của HTX Tân Phú Đông trong việc giới thiệu liên kết với các bếp ăn tập thể trên địa bàn để mở rộng đầu ra. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ đơn vị quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu để đơn vị tự cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh và nâng cao giá trị sản phẩm.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, NTD cần nâng cao trách nhiệm của mình, kiên quyết tẩy chay những thực phẩm bẩn, bỏ thói quen “tiện chỗ nào mua chỗ nấy” và chỉ mua thực phẩm ở những cơ sở được công bố là thực phẩm an toàn.

Ông Phạm Minh Quyền – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian tới, Chi cục sẽ thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra những chợ, quầy kinh doanh thực phẩm an toàn; thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tuyên truyền về sản xuất cung ứng sản phẩm nông sản an toàn... nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng với cộng đồng cũng như thay đổi nhận thức NTD trong lựa chọn thực phẩm an toàn”.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn