Thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng khá

Cập nhật ngày: 22/07/2023 05:59:14

ĐTO -Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, hoạt động kinh doanh thương mại phong phú và đa dạng, hàng hóa trên thị trường tiếp tục phát triển tốt. Hạ tầng thương mại ngày càng mở rộng. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại được tỉnh đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP được phân phối vào hệ thống siêu thị lớn. Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối quan trọng; có hơn 300 mặt hàng đặc sản địa phương của 60 cơ sở tham gia giao dịch trên 5 sàn thương mại điện tử uy tín như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo. Trung tâm giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội và Phú Quốc tiếp tục phát huy vai trò. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2023 ước đạt 126.590 tỷ đồng, bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng trưởng 8,5%/năm.

Hoạt động xuất khẩu đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận trong thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính xăng dầu tạm nhập tái xuất) ước đạt 1.535 triệu USD (đạt gần 96% kế hoạch), bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng trưởng 14,1%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng tốt. Mặt hàng thủy sản từng bước nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng toàn cầu hóa và đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất của tỉnh (năm 2023 ước đạt 1 tỷ USD). Hoạt động nhập khẩu tiếp tục phát triển với kim ngạch năm 2023 ước đạt 810 triệu USD (vượt chỉ tiêu kế hoạch), bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng trưởng 29%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng trưởng 8,4%/năm.

Mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, chất lượng dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng được nâng cao; thực hiện ký kết mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại một số tuyến phố của 2/3 thành phố (TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc) và tại 2/9 huyện (Tháp Mười và Thanh Bình). Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 14%/năm, cao hơn giai đoạn 2018 - 2020; nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ dưới 1%/tổng dư nợ; huy động vốn đáp ứng khoảng 65% dư nợ cho vay trên địa bàn. Vốn tín dụng phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo mục tiêu, định hướng của ngành, địa phương, các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh (thủy sản, lúa gạo) có mức tăng trưởng mạnh.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn