Huyện Cao Lãnh
Tích cực bảo vệ sản xuất trong mùa lũ
Cập nhật ngày: 30/10/2013 05:28:24
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ và gia cố đê bao, nên dù Trung tâm khí tượng Thủy văn dự báo là đỉnh lũ năm 2013 sẽ cao hơn so với cùng kì năm trước, nhưng phần lớn người dân ở huyện Cao Lãnh rất vững tâm chờ đỉnh lũ đi qua. Và cho đến thời điểm này, địa phương vẫn rất chủ động trong công tác phòng, chống và ứng phó với lũ, chưa có thiệt hại nào đáng tiếc về người và tài sản.
Chằng néo, gia cố bè cá trong mùa lũ ở xã Bình Thạnh
Rút kinh nghiệm từ công tác phòng, chống lụt bão những năm trước, ngay từ đầu năm nay, huyện Cao Lãnh đã chủ động kiểm tra, nâng cấp đê bao, đầu tư xây dựng hệ thống cống và tổ chức các buổi diễn tập phòng, chống lụt bão cho các cán bộ ở cơ sở và bà con nhân dân ở địa phương... Ngoài ra, để toàn thể nhân dân có bước chuẩn bị, huyện đã tăng cường chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền nêu cao tinh thần tự giác ứng phó với lũ qua các hệ thống đài truyền thanh. Bước đầu nhận thấy nhiều bà con có ý thức và chủ động hơn trong công tác giữ gìn và bảo vệ tài sản của chính mình.
Cụ thể, ngay từ đầu mùa lũ, nhiều nhà vườn ở huyện Cao Lãnh đã bắt đầu đẩy mạnh công tác kiểm tra đê bao, gia cố những chỗ xung yếu. Kết quả đến thời điểm hiện tại, 5.298ha diện tích cây ăn trái của toàn huyện vẫn trong vòng kiểm soát an toàn. Cũng như nhiều nhà vườn, các hộ chăn nuôi thủy sản cũng chủ động không kém, từ đầu tháng 7 âm lịch, các hộ nuôi cá bè bắt đầu công tác tu bổ, chằng néo và gia cố bè cá cẩn thận.
Chú Châu Văn Hiếu, chủ bè nuôi cá điêu hồng ở xã Bình Thạnh, cho biết: “Ngay từ đầu mùa lũ, chúng tôi đã tiến hành tu sửa các lồng bè bị xuống cấp, chằng néo các bè vào khu vực an toàn để tránh trường hợp bè bị đứt dây và cuốn liên hoàn do dòng chảy của nước quá mạnh. Được địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nên dù nước lũ năm nay khá cao nhưng chúng tôi rất yên tâm vì đã chủ động gia cố ngay từ đầu vụ”.
Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống lũ lụt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, nên năm nay dù diễn biến lũ cũng khá phức tạp nhưng huyện đã chủ động ứng phó và bảo vệ “ăn chắc” 4.400ha lúa đông xuân sớm ở các xã: Gáo Giồng, Tân Nghĩa, Ba Sao, Phương Thịnh... đang trong giai đoạn từ 15 - 20 ngày tuổi. Ngoài ra, đối với diện tích chưa gieo sạ, huyện khuyến khích bà con xả lũ để tăng độ màu mỡ cho đất và sẽ gieo sạ vào đầu tháng 10 âm lịch, ngay sau khi lũ rút.
Ông Trần Văn Hưng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết: “Năm nay, huyện đã hoàn thành tốt công tác phòng, chống bão lụt, không để trường hợp tổn thất đáng tiếc nào xảy ra. Đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân.
ML