Tiếp cận vốn vay không thế chấp tài sản - Giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng đồng bằng sông cửu Long

Cập nhật ngày: 18/05/2022 12:46:24

ĐTO - Ngày 18/5, tại TP Cần Thơ, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ thông qua dự án USAID LinkSME, Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp tổ chức Hội thảo  “Tiếp cận vốn vay không thế chấp tài sản – Giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vùng đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL)”. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu thuộc các Cơ quan quản lý nhà nước, Viện - trường, ngân hàng, công ty tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau… tham dự.


Sản phẩm nấm rơm của cơ sở Nấm Phước Lộc (tỉnh Đồng Tháp) giới thiệu tại hội thảo

Sau khi thực hiện các cuộc khảo sát trực tiếp tại các DNNVV về nhu cầu tín dụng đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh tại ĐBSCL, các chuyên gia dự án USAID thấy rằng, các vấn đề DNNVV thường gặp phải khi tiếp cận với nguồn vốn tài chính cả về phía các tổ chức tài chính  lẫn DNNVV liên quan tới nhu cầu vốn trung và dài hạn, vốn vay ngắn rất hạn chế, vòng vay vốn - đáo hạn không phù hợp tính mùa vụ, báo cáo thuế và  tính minh bạch các số liệu tài chính, các tổ chức tài chính chủ yếu nhận các tài sản thế chấp là bất động sản, nhưng giá trị thấp….trong khi các khoản đầu tư của doanh nghiệp không được ghi nhận đầy đủ, việc định giá tài sản từ phía các ngân hàng thương mại thấp hơn so với giá trị đầu tư.

Trong khi đó, năng lực quản trị tài chính kiểu gia đình chưa đáp ứng các yêu cầu từ phía các Ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp lại chưa chú trọng chuẩn chỉnh báo cáo tài chính, thường chỉ cập nhật số liệu khi có nhu cầu vay vốn; DN thiếu tài sản đảm bảo - khi đã vay vốn bên ngoài với lãi suất cao thì hệ lụy càng phức tạp hơn.

Để giải quyết một số vấn đề hiện trạng của DNNVV cũng như DN khởi nghiệp, ông Trần Trọng Hữu - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp đơn vị, đối tác tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp có những góc nhìn mới trong kinh doanh, tìm cơ hội mới, nâng cao năng lực. Trong đó, ngoài kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, tỉnh Đồng Tháp còn chú trọng hỗ trợ kết nối chuyên gia tư vấn doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh, chuẩn hóa số liệu  tài chính và  tái cơ cấu hoạt động tài chính phù hợp với yêu cầu của các nguồn tài chính; Triển khai các chương trình hội thảo sự kiện kết nối các nguồn tài chính mới phù hợp với năng lực kinh doanh của các DNNVV; Triển khai các khóa đào tạo nâng cao năng lực tài chính cho DNNVV… Từ đó, đưa phong trào phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, nhất là thích ứng với tình hình mới hiện nay.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn