Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Cập nhật ngày: 23/08/2016 06:09:31
ĐTO - Xác định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) trong tình hình mới theo tinh thần Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, 3 năm qua, KTTT của tỉnh Đồng Tháp đã có sự chuyển biến mạnh và đạt được những kết quả đáng kể.
Đến nay, khu vực KTTT trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, các loại hình KTTT phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, ngành nghề; khắc phục tình trạng yếu kém, củng cố cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động góp phần tăng lợi ích của thành viên và người lao động trong khu vực KTTT.
Toàn tỉnh hiện có 200 hợp tác xã, với trên 58.200 thành viên, vốn điều lệ trên 170 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 782 tỷ đồng; có trên 1.150 tổ hợp tác, với 28.630 thành viên, vốn hoạt động trên 78,2 tỷ đồng. Có 60% số lượng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
|
|
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra kế hoạch về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT. Từ đó, làm chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường; nâng cao trách nhiệm, tạo sự thống nhất và quyết tâm của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện. Các hợp tác xã (HTX) tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Các mô hình HTX kiểu mới, điển hình tiếp tục được duy trì và phát triển, hoạt động trên các lĩnh vực. Các tổ hợp tác (THT) được thành lập từ nhu cầu của người dân và hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề.
Hoạt động của HTX đã góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, xây dựng nông thôn mới và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đã xây dựng 16 mô hình HTX, THT tiên tiến gắn với vùng chuyên canh xây dựng thương hiệu nông sản. Nguồn lực cho các HTX được tăng cường, tổ chức đào tạo, tập huấn và điều động nhiều cán bộ nông nghiệp từ các trạm khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, thủy sản về các HTX nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của HTX. Tiến hành việc sáp nhập, hợp nhất các HTX quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả thành HTX sản xuất quy mô lớn, phát triển đa ngành nghề, dịch vụ... để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Việc liên kết giữa HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp được các địa phương, HTX, xã viên quan tâm, nhất là xây dựng cánh đồng liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện đã có 11 HTX nông nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn với diện tích khoảng 6.500ha, có 55 HTX, 30 THT liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa với diện tích 11.874ha. Đã xây dựng các HTX, THT tương ứng với 5 ngành hàng: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT ở Đồng Tháp phát triển vẫn còn chậm, phần lớn các HTX ít có khả năng tự tích lũy vốn để phát triển. Quy mô hoạt động nhỏ, chất lượng và số lượng các loại hình dịch vụ còn hạn chế; thành viên HTX, THT chưa hưởng nhiều lợi ích từ các dịch vụ của đơn vị mình; thu nhập đem lại cho thành viên, người lao động trong các loại hình KTTT còn thấp, mức tăng trưởng còn chậm so với các thành phần kinh tế khác. Chưa thể hiện vai trò đầu tàu trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Do trình độ, năng lực đội ngũ quản lý, điều hành hoạt động HTX còn hạn chế, nhất là HTX nông nghiệp. Năng lực tài chính của HTX còn hạn hẹp; sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền, một số ngành đối với KTTT chưa kịp thời; KTTT vẫn chưa tạo sự hấp dẫn để người dân tham gia, tâm lý của người dân còn hoài nghi vào kinh tế hợp tác. Ngoài ra, tính khả thi và hiệu quả của chính sách hỗ trợ KTTT chưa cao.
Tiếp tục xác định vai trò, vị trí quan trọng của KTTT trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, mang tính thiết thực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, chọn hướng đi phù hợp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước về KTTT. Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan từng cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả KTTT phải đặt nó trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giải quyết tốt các điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp, hợp tác lại với nhau để mua chung, bán chung và dùng chung dịch vụ để cùng nhau phát triển. Sắp tới, cần tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của HTX, THT; đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện các dịch vụ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho các thành viên sản xuất thuận lợi, hiệu quả, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn của tỉnh. Khuyến khích thành lập các HTX kiểu mới nhằm liên kết với nhau trong chuỗi giá trị, hướng đến sự phát triển bền vững.
ĐỒNG DAO