Tìm hướng đi cho con cá tra Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 31/08/2012 13:34:23
Sở Công thương vừa tổ chức hội thảo lần 2 chuyên đề “Nguồn lực, vai trò của khâu cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến cá tra xuất khẩu tỉnh Đồng Tháp” nhằm tháo gỡ khó khăn trong chế biến xuất khẩu cá tra.
Theo đánh giá, Đồng Tháp là tỉnh có thế mạnh về sản xuất cá tra, đặc biệt là sản xuất giống, cung cấp cá con và thức ăn thủy sản cho phần lớn các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy có vai trò rất quan trọng trong ngành nhưng trên thực tế, tỉnh vẫn chưa có sự gắn kết thật sự trong chuỗi sản xuất mà mới chỉ có sự sản xuất khép kín của các doanh nghiệp (DN) và các hợp đồng gia công ngắn hạn giữa DN chế biến với hộ nuôi, vì vậy thường xảy ra các bất ổn về cung ứng cá nguyên liệu cũng như về giá cả.
Cần có sự liên kết vùng nuôi để cung cấp sản phẩm an toàn
cho người nuôi và doanh nghiệp
Tại hội thảo nhiều DN cho rằng, nguyên nhân của tình trạng bất ổn về cung ứng cá nguyên liệu và giá cá sụt giảm như hiện nay là do chưa có vai trò tích cực (hỗ trợ, thúc đẩy) của nhà nước và địa phương trong việc hình thành chuỗi liên kết dọc sản xuất cá tra. Do đó, nhiều DN chế biến cá tra xuất khẩu cho rằng để giải quyết những khúc mắc về nguồn nguyên liệu, vốn, giá cả, thị trường xuất khẩu... thì bên cạnh sự tự nỗ lực, các DN rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đứng ra làm vai trò trung gian, thúc đẩy chuỗi sản xuất tiêu thụ cá tra ổn định.
Đại diện Công ty TNHH Một thành viên nuôi trồng thủy sản Hoàng Long cho biết: Việc thường xảy ra các bất ổn về cung ứng cá nguyên liệu cũng như về giá cả của con cá tra thời gian qua chủ yếu là do chúng ta chưa có một “trọng tài” đứng ra làm trung gian trong việc đảm bảo nguồn cá tra giống. Việc mua bán cá chủ yếu chỉ do DN tự chào giá, giới thiệu sản phẩm nên chưa có một mức giá ổn định. Mặt khác, cũng không có cơ quan nào đứng ra xử lý các DN phá giá.
Theo đại diện Công ty Hoàng Long, để giải quyết những khúc mắc trên, Nhà nước cần có chính sách quản lý cá tra bố mẹ, có thể là liên kết với các trung tâm giống để lai tạo và bảo tồn những gen tốt. Từ đó, phân bổ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống để cung cấp giống tốt cho người nuôi. Song song đó, cần đưa người nuôi cá giống vào các hợp tác xã để quản lý chặt chẽ hơn. Riêng những nhà máy không có vùng nuôi cần tạo liên kết với người nuôi.
Một số DN cũng kiến nghị, ngân hàng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế vay tín dụng giữa nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng và được đảm bảo bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (giữa nông dân và DN). Mô hình này thực hiện theo hình thức tín chấp, tức là DN đứng ra vay hộ và đầu tư trực tiếp cho nông dân, khi kết thúc hợp đồng DN sẽ thu mua sản phẩm và thu tiền của nông dân để trả cho ngân hàng...
Còn về phía các hộ nuôi, có nhiều ý kiến, hiện nay do mức đầu tư nuôi cá khá cao (gần 8 tỉ/ha), nên 100% các hộ nuôi cá tra đều có vay vốn ngân hàng để đầu tư. Tuy nhiên, do định mức cho vay của ngân hàng quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu vốn cho sản xuất. Để đảm bảo việc sản xuất và có đầu ra ổn định, các hộ nuôi mong muốn có 1 đề án phát triển ngành chế biến cá tra từ việc liên kết 4 nhà và đặc biệt là có sự hỗ trợ của ngân hàng để tạo nên thương hiệu đủ sức cạnh tranh với thị trường nước ngoài. Về sản xuất, không nhất thiết chỉ sản xuất ngành hàng cá phi lê mà cần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Có như vậy, ngành nuôi trồng và chế biến cá tra mới có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo ông Nhị Văn Khải - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, thông qua việc lắng nghe những ý kiến của các bên có liên quan tại các buổi hội thảo, nhất là ý kiến của các nhà quản lý và kinh nghiệm thực tế từ các DN, hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh sẽ tìm ra được các hướng tháo gỡ khó khăn. Qua hội thảo, Sở Công thương cũng nắm bắt được các khó khăn, tâm tư nguyện vọng của DN, hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh để tiếp tục tham mưu lên UBND tỉnh có các giải pháp thích hợp giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nuôi...
MN