Tìm hướng phát triển bền vững cho làng bột trăm năm tuổi
Cập nhật ngày: 08/08/2014 04:58:24
Là làng nghề có hơn trăm năm tuổi, nổi tiếng gần xa với nghề làm bột gạo và các sản phẩm sau bột, song hiện nay, làng bột Sa Đéc đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hiện tại việc nâng cao giá trị sản phẩm và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là hai nội dung trọng tâm mà UBND TP. Sa Đéc cùng hàng trăm hộ sống trong làng nghề rất quan tâm và đang tìm hướng giải quyết.
Người làm bột vẫn chưa thể tự tìm ra giải pháp tháo gỡ cho nghề
truyền thống của mình
Ông Huỳnh Trí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc trăn trở: “Từ lâu, Sa Đéc có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm sau gạo, song số hộ sản xuất bột giảm dần qua từng năm nên sản lượng bột Sa Đéc đang giảm đáng kể. Một vấn đề băn khoăn của địa phương là đa phần các hộ làm bột kết hợp chăn nuôi heo đều có xử lý hầm biogas, song với diện tích sản xuất và chăn nuôi hạn chế nên việc xử lý môi trường chưa thực sự triệt để, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của làng nghề”.
Theo thống kê của UBND TP. Sa Đéc, năm 2005 có trên 935 hộ sống với nghề làm bột và chăn nuôi heo. Gần đây, số hộ sản xuất bột giảm dần, hiện tại chỉ còn 354 hộ. Nguyên nhân là do giá bột thấp, các hộ làm bột không có lãi nếu chỉ làm bột mà không kết hợp chăn nuôi heo. Bên cạnh đó, những năm gần đây giá heo hơi lại thường hay biến động giảm, dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp khiến không ít gia đình chịu cảnh nợ nần vì vừa lỗ trong sản xuất bột, còn thêm lỗ trong chăn nuôi.
Khó khăn chung của nhiều hộ dân theo nghề làm bột nơi đây là chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu vốn tái đầu tư công nghệ mới. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm không đồng đều; an toàn vệ sinh thực phẩm một số cơ sở chưa đảm bảo; qui mô, thiết bị, công cụ, máy móc sản xuất chưa đồng bộ; thành phẩm bột còn phụ thuộc vào tay nghề, môi trường và thời tiết. Ngoài ra, việc chưa xây dựng được quy trình sản xuất khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản ngăn nghề làm bột của Sa Đéc phát triển.
Để thích ứng với môi trường sản xuất, kinh doanh hiện đại trong giai đoạn hiện nay, một số cơ sở đã bắt tay chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc nhưng con số này vẫn còn hạn chế. Ông Nguyễn Hữu Lộc - chủ DNTN Lộc Sánh, xã Tân Khánh Trung, Châu Thành chia sẻ: Cái khó khăn hiện nay là các cơ sở trước giờ đều phải tự làm mọi việc mà chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào của nhà nước. Ông đề xuất cần phải có Hiệp hội của ngành bột để có thể tạo nên một khối thống nhất, liên kết với nhau, chỉ có như vậy ngành bột Sa Đéc mới bền vững được.
Ông Mai Văn Đối - Giám đốc Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: “Bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương, trong năm 2014 Trung tâm dự kiến chọn ở TP. Sa Đéc và huyện Châu Thành khoảng 10 - 15 cơ sở và hộ sản xuất bột để hỗ trợ đầu tư hoặc chuyển đổi một số thiết bị mới trong sản xuất. Hoạt động này nhằm giúp các cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như góp phần giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề”.
PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Để hỗ trợ cho sự phát triển của làng bột Sa Đéc, Trường Đại học Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ ngành chức năng của TP. Sa Đéc và các cơ sở làm bột ứng dụng công nghệ hiện đại để cải tiến và rút ngắn thời gian sản xuất ra sản phẩm bột, xử lý chất thải, xây dựng hầm ủ biogas... nhằm giải quyết vấn đề môi trường”.
Để làng bột phát triển bền vững trong tương lai, địa phương cần có những giải pháp thực hiện đồng bộ 2 nhiệm vụ: nâng cao giá trị sản phẩm và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Có như thế, người dân mới yên tâm bám nghề và làng bột mới phát triển bền vững.
Minh Nhật