Tín hiệu vui từ mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”

Cập nhật ngày: 31/03/2022 15:48:46

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220331034935dt3-1.mp3

 

ĐTO - Thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” gắn với phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, bước đầu, Đồng Tháp chọn 5 lĩnh vực ở địa phương rút kinh nghiệm làm cơ sở nhân ra địa bàn toàn tỉnh gồm: huyện Lấp Vò chọn thí điểm trên lĩnh vực sản xuất rau màu an toàn; huyện Cao Lãnh chọn thí điểm trên lĩnh vực sản xuất cây ăn quả xoài, mít; huyện Châu Thành chọn thí điểm trên lĩnh vực sản xuất cây ăn quả (nhãn); huyện Lai Vung chọn thí điểm trên lĩnh vực sản xuất cây ăn quả có múi; huyện Tháp Mười chọn thí điểm trên lĩnh vực sản xuất cây lúa và cây mít.


Nông dân xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười tham gia mô hình “Nông dân chuyên nghiệp”

Tại huyện Tháp Mười, tiếp thu Kế hoạch số 15 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) huyện Tháp Mười về triển khai thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” trên địa bàn, Ban Thường trực UBMTTQVN xã Thạnh Lợi (huyện Tháp Mười) đã chủ động phối hợp với UBND và Hội Nông dân xã tham mưu, giúp Đảng ủy tổ chức triển khai, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, hội viên và hộ nông dân trên địa bàn nắm vững mục đích, ý nghĩa, lợi ích đem lại của mô hình “Người nông dân chuyên nghiệp”. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm trên địa bàn xã đúng theo chủ trương của tỉnh, huyện, Đảng ủy và UBND xã.

Theo đó, mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” được phát động thực hiện thí điểm ở Ấp 4, xã Thạnh Lợi qua việc tiến hành thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất lúa giống, trước mắt thí điểm 50ha, gồm 9 hộ tham gia để làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng mô hình trên toàn xã trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Ban Thường trực UBMTTQVN xã Thạnh Lợi xây dựng kế hoạch thực hiện và phối hợp triển khai, tuyên truyền cho người dân biết về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia mô hình theo tiêu chí do Ban Thường trực UBMTTQVN huyện ban hành; triển khai phiếu đăng ký tham gia thực hiện mô hình để người dân nghiên cứu và tự nguyện đăng ký.

Kết quả, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xã, trong đó nòng cốt là Hội Nông dân xã đã tổ chức tuyên truyền được 9 cuộc, có 214 lượt người dự, trong đó có 173 lượt nông dân trên địa bàn xã tham dự. Nhìn chung, qua triển khai, quán triệt, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức tốt về ý nghĩa thật sự của mô hình, tích cực tham gia mô hình và bước đầu đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới trong tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng vào tổ chức Hội theo từng đối tượng cụ thể, phù hợp, nhiều mô hình tập hợp có hiệu quả đã được nhân rộng, thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào tổ chức Hội, trong đó có mô hình Tổ liên kết hợp tác sản xuất của Hội Nông dân xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã,...

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình, UBMTTQVN xã Thạnh Lợi đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban vận động thực hiện thí điểm mô hình, trong đó chọn Ấp 4 làm thí điểm. Tại hội nghị triển khai thực hiện thí điểm mô hình do Ban Thường trực UBMTTQVN xã Thạnh Lợi chủ trì có 16 hộ dân tham dự, qua nghiên cứu và được cung cấp các thông tin về tiêu chí để trở thành người nông dân chuyên nghiệp, phân tích những lợi ích khi tham gia thực hiện thí điểm mô hình, Hội Nông dân xã đã vận động 9 hộ dân tham gia với diện tích đăng ký thực hiện thí điểm hơn 43ha.

Qua 1 năm thực hiện thí điểm mô hình, từng hộ nông dân đã chủ động nghiên cứu lại quy trình sản xuất an toàn, từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch và tận thu các phụ phẩm sau thu hoạch (rơm, rạ, lúa gãy rụng), vừa đảm bảo tuân thủ bảo vệ tốt môi trường sinh thái, vừa cho đất nghỉ ngơi, cải thiện độ phì, độ dinh dưỡng, sẵn sàng cho vụ kế tiếp đạt thắng lợi. Mặt khác, thông qua liên kết, các hộ được cán bộ nông nghiệp của xã, kỹ sư của các công ty liên kết thường xuyên hỗ trợ, tư vấn sản xuất, cách xử lý sâu bệnh hại đúng quy trình, kịp thời, đem lại hiệu quả cao. Từ đó, nhận thấy mô hình đã có sức lan tỏa mạnh trong nông dân.

Có thể nói, sự thành công của mô hình “Người nông dân chuyên nghiệp” nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt, linh hoạt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình thực hiện. Các đồng chí cấp ủy, chính quyền xã, nhất là cán bộ chuyên môn phụ trách lĩnh vực nông nghiệp chủ động tham mưu làm tốt việc kết nối nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học để tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, hợp tác, giúp nông sản làm ra đi thẳng đến thị trường tiêu thụ mà không bị đứt gãy, ép giá.

Thông qua mô hình, đã tuyên truyền, vận động người dân từng bước thay đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” và tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Từ đó, thúc đẩy người dân phát triển hơn về sản xuất, kinh doanh làm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính đến nay, tại 5 huyện triển khai thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” đã có 1.046 hộ dân tham gia với diện tích là 1.274,7ha, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức sơ kết mô hình nói trên trong thời gian gần đây.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn