Tình sử vượt thời gian
Cập nhật ngày: 16/11/2020 08:06:00
Miệt sông nước miền Tây yên bình, bát ngát, có những cánh đồng lúa mênh mông tít tắp - nơi có những dòng sông, con kênh ăm ắp phù sa trĩu nặng. Và, cũng nơi ấy còn gây vương vấn trong lòng du khách khi một lần dừng chân những ngôi nhà cổ có niên đại cả trăm năm gắn liền với những điều bí ẩn. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp “gói chặt” vẹn nguyên thiên tình sử vượt thời gian. Đến đây, du khách sẽ được dịp “xuyên không” về bối cảnh quá khứ xa xưa, hoài cổ lại thời kỳ thịnh vượng, phú quý của một gia đình giàu sang bậc nhất ở vùng Đất Sen hồng.
Du khách Mỹ Lucilee Suttion viết: “Tôi rất hạnh phúc khi đến một ngôi nhà cổ đẹp, với lịch sử rất đặc biệt. Tôi đã đọc tiểu thuyết L’Amant của M. Duras và tôi có cảm giác rất đặc biệt khi đến đây”.
Thiên duyên tình mộng
Mở đầu bằng chuyến tàu định mệnh vượt Cửu Long giang, M. Duras bước khỏi xe đến cạnh lan can, đưa mắt xa xăm ngắm dòng sông mênh mông, hoang dại, trầm tư như đang đối diện với chính nội tâm ngột ngạt, đầy ám ảnh bởi bi kịch trên đất thuộc địa Đông Dương. Bất chợt, chàng trai Huỳnh Thủy Lê xuất hiện chiếc Limousine màu đen có tên là Morris Léon-Bollée đến làm quen. Tiếng sét ái tình đã khiến họ yêu nhau bằng cả trái tim nồng nàn, mãnh liệt. Trái ngang thay “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề” chính sự khác biệt văn hóa Đông – Tây, không môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, người cha đã không thuận tình cho hai người đến với nhau.
Hồi kết, chuyến tàu chia ly đưa M. Duras về Pháp, từ mạn tàu nàng thấy thấp thoáng từ xa chiếc xe hơi sang trọng màu đen quen thuộc của người tình Trung Hoa lặng lẽ đến tiễn biệt, bà gọi đó là “chiếc xe tang lớn trong những quyển sách của tôi”. Dâu bể đường tình đã vội vàng đặt một dấu chấm lớn khiến cho mọi thứ trở nên vô vọng nhưng vẫn còn đó “ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai” đến những giây phút cuối đời.
Từ đời thực đến màn ảnh và ngược lại, tất cả đan xen vào nhau để dệt nên những gì đẹp đẽ nhất được lắng đọng trong không gian của tòa biệt thự cổ kính và sắc màu trầm mặc. Vạn vật sẽ phôi pha theo dòng thời gian trôi nhưng không đồng nghĩa với sự nhạt nhòa của thiên tình sử Việt - Pháp thời xưa ấy.
Sức hấp dẫn kỳ lạ của nhà “Người Tình”
Ngôi nhà cổ ban đầu ba gian bằng gỗ quý theo kiểu truyền thống Nam Bộ, mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương, ở giữa nóc nhà là cặp lưỡng long tranh châu, nằm ở vị trí đắc địa: “Nhất cận thị, nhị cận lân, tam cận giang, tứ cận lộ”. Đến năm 1917, với sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa Pháp, chủ nhà quyết định trùng tu theo kiến trúc phương Tây, tường gạch bao lấy khung gỗ bên trong, kính màu, gạch bông đều xuất xứ từ Pari hoa lệ. Thế nên, bề ngoài ngôi nhà như biệt thự kiểu mẫu phương Tây, trong lại là lối kiến trúc đậm sắc màu Trung Hoa, hài hòa cả ba phong cách Pháp, Việt, Hoa. Mặt tiền được thiết kế theo lối kiến trúc La Mã thời Phục Hưng thế kỷ XVII, cửa chính chạm khắc phù điêu hoa lá, cây cỏ, chim muông có hình vòng cung, khung cửa phụ lá sách kiểu Pháp làm bằng gỗ bên trên có hai câu đối “Cảm tình”, “Thuận ý”.
Khách sạn Bông Hồng chuẩn thượng lưu sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho chuyến du lịch Đồng Tháp
Nét độc nhất vô nhị của ngôi nhà này là “khung cửa ngủ trưa” làm từ 15 thanh gỗ tròn song song, khi nghỉ trưa chỉ cần kéo lại mà không cần đóng cửa đảm bảo thông thoáng, sáng sủa gió vẫn lùa vào mát rượi. Theo phong thủy, “nước chảy chỗ trũng” hay “Cao nhất thốn vi sơn, đệ nhất thốn vi thủy” nên gian giữa nhà, ông Thuận cho thiết kế trũng xuống để quy tụ tài lộc, chánh khí, vạn sự hanh thông. Trên trần nhà, giữa có hình rồng, bốn gốc là bốn con dơi biểu trưng cho quyền uy, phước thọ.
Trong nhà có bàn thờ Quan Vân Trường - vị thần bảo vệ các chủ doanh nghiệp, gia chủ bởi ngoài lợi thế trấn áp hung khí còn mang lại sự thịnh vượng, trí tuệ và cả tiền bạc trong kinh doanh. Trong nhà còn giữ nhiều cổ vật quý giá như chiếc máy hát, tủ bếp, phản gỗ, chén gốm hoa văn sóng nước, bình điếu men ngũ sắc …có tuổi đời trên 130 năm. Những dấu tích còn lại với thời gian, ngôi nhà cổ đã phản ánh phần nào cuộc sống xa hoa, sung túc của dòng họ Huỳnh mà người dân thời bấy giờ hết lòng ngưỡng vọng.
Hãy đôi lần dừng chân nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để hiện thực hóa những điều thi vị trong văn chương, liên tưởng về khung trời ký ức năm xưa đầy thổn thức nhưng rất đỗi dịu dàng của thiên tình sử vượt thời gian. Biết bao du khách đã “chạm đến” từng khung hình của tác phẩm điện ảnh L’Amant để được sống lại khoảnh khắc lãng mạn. Và, để rồi được cảm nhận tình yêu bất diệt như sóng trùng đại dương, mang danh tiếng của ngôi nhà cổ này vươn ra thế giới.
Hạ Trâm