Toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp, 244 cơ sở được cấp phép sản xuất rượu
Cập nhật ngày: 25/01/2013 18:23:13
Trong thời gian qua, việc sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước còn nhiều phức tạp. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh rượu có quy mô nhỏ, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, sức cạnh tranh thấp.
Bên cạnh đó, các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và môi trường chưa được đảm bảo. Nhất là sản xuất rượu thủ công còn diễn ra phổ biến; tình trạng sản xuất rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng, nhập khẩu trái phép còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và thất thu cho ngân sách nhà nước.
Lực lượng chức năng kiểm tra các chai rượu giả
Để chấn chỉnh lại các hoạt động này, tháng 11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 thay thế Nghị định 40/2008. Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu được quản lý chặt chẽ hơn giúp cho các sản phẩm rượu có chất lượng, mẫu mã, nhãn mác ngày càng phong phú, đẹp mắt hơn, hệ thống phân phối hoạt động có tổ chức, được kiểm soát chặt chẽ. Người tiêu dùng chuyển dần sang sử dụng rượu sản xuất công nghiệp với chất lượng đảm bảo hơn.
Theo số liệu của Bộ Công thương, đến tháng 6/2012, cả nước có 126 DN được cấp phép sản xuất rượu công nghiệp, tổng sản lượng hơn 127 triệu lít rượu và 28 triệu lít cồn; 400 cơ sở được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cấp 210 giấy phép kinh doanh rượu, Sở Công thương và các quận, huyện các tỉnh cấp khoảng 5.570 giấy phép kinh doanh rượu.
Theo số liệu của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 3 DN đầu tư sản xuất, kinh doanh rượu quy mô dưới 3 triệu lít/năm và 3.227 cơ sở sản xuất rượu thủ công với tổng sản lượng hàng năm hơn 18 triệu lít. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 3 DN và 244 cơ sở được cấp phép với sản lượng hơn 1.700 lít/năm, chiếm 7,56% cơ sở sản xuất rượu hiện có. Ngoài ra còn có gần 300 cơ sở đã kiểm tra sản phẩm và công bố chất lượng nhưng chưa làm thủ tục cấp phép sản xuất. Các huyện, thị, thành phố cũng đã cấp 213 giấy phép cho các cơ sở kinh doanh rượu.
Qua thời gian triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, các DN khi được cấp giấy phép kinh doanh rượu có thể mua thu gom rượu từ bất cứ DN có giấy phép kinh doanh mà không cần phù hợp với hệ thống phân phối là nguyên nhân để rượu giả, rượu lậu len lỏi vào thị trường; việc có quá nhiều DN được cấp phép nhập khẩu rượu dễ xảy ra tình trạng vi phạm hoạt động kinh doanh rượu.
Tình trạng sản xuất rượu theo mẫu mã của các công ty vẫn còn, gây thiệt hại cho DN sản xuất và người tiêu dùng. Việc gian lận thuế, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, số lượng rượu sản xuất thủ công còn rất lớn, chất lượng không đảm bảo ATVSTP, không có nhãn mác theo quy định, lại phân tán nhiều nơi, sản xuất không liên tục, hiệu quả thấp, người sản xuất ngại tốn kém chi phí làm thủ tục gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc công bố thông tin về thành phần, hàm lượng, tác hại của việc lạm dụng rượu đã được quy định rõ. Tuy nhiên, việc công bố này chỉ mới được thực hiện ở các sản phẩm rượu sản xuất công nghiệp và một lượng nhỏ người dân tự nấu nhằm mục đích kinh doanh; việc để các DN tự dán tem nhập khẩu có thể dẫn đến tình trạng dán lên rượu nhập lậu, rượu giả để hợp thức hóa hoặc quay vòng tem rượu nhập khẩu; gian lận thương mại do khai không đúng số lượng rượu nhập với số tem được cấp...
TP