Nông nghiệp Đồng Tháp - một năm vượt khó

Cập nhật ngày: 21/01/2013 06:22:12

Năm 2012, người nông dân tiếp tục “vật lộn” với những khó khăn của tình hình dịch bệnh, biến động giá cả, thiên tai... Song, nhờ sự quan tâm kịp thời của tỉnh cùng với nỗ lực vượt khó của người dân, năm qua, ngành nông nghiệp Đồng Tháp tiếp tục về đích an toàn, hiệu quả.

Một năm vượt khó

Năm 2012, sản xuất nông nghiệp Đồng Tháp phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; tiêu thụ nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn nhất là trong vụ hè thu và thu đông năm 2012; giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá cả đầu ra không ổn định, đặc biệt là giá cá tra xuất khẩu dưới giá thành gây bất lợi cho người sản xuất...


Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh đã dành nhiều sự hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Trong những thời khắc khó khăn, tỉnh và các địa phương có những chính sách đúng đắn và kịp thời. Đó là hỗ trợ kịp thời chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân các huyện Tháp Mười, Tân Hồng bị thiệt hại do thiên tai vụ hè thu và đông xuân năm 2012, trích ngân sách tỉnh kết hợp chính sách Trung ương hỗ trợ người dân có diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh chổi rồng trên nhãn. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư hàng tỷ đồng cho các công trình đê bao thực hiện cách đồng liên kết...

Nhờ sự đồng thuận, quyết tâm, chỉ đạo đúng hướng của ngành nông nghiệp, năm 2012 năng suất lúa toàn tỉnh đạt mức kỷ lục, bình quân hơn 62 tạ/ha (cao nhất trong những năm qua), kéo theo sự tăng trưởng GDP của toàn tỉnh. Đồng Tháp vượt lên trên khó khăn, trở thành một trong những địa phương đạt năng suất lúa cao nhất, nhì ở ĐBSCL. Ngoài được mùa lúa, các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, cây ăn trái đều gặt hái những thành công nhất định. Được dự báo là khó hoàn thành kế hoạch, nhưng cuối năm sản lượng và giá trị sản xuất thủy sản vẫn đạt 386.910 tấn, tăng 10% so với kế hoạch.

Nhờ thực hiện tốt việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi thủy sản, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch có sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp, giảm dần các hộ nuôi nhỏ lẻ, năm 2012 sản xuất thủy sản của tỉnh vượt qua khủng hoảng, tiếp tục đóng góp đáng kể cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu trên 482,399 triệu USD, chiếm 57,67% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh...

Sôi động các mô hình sản xuất hàng hóa lớn

Năm 2012, nông nghiệp Đồng Tháp sôi động với phong trào xây dựng cánh đồng liên kết (CĐLK), tạo vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ. Đây là năm đầu, Đồng Tháp triển khai mô hình CĐLK quy mô trên 17.000ha với cơ chế hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác, khuyến khích sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tạo điều kiện cho sản xuất gắn kết với tiêu thụ... Thành công lớn nhất của mô hình liên kết này là 23 CĐLK đều đạt năng suất, sản lượng cao hơn so với sản xuất đại trà.

Theo đó, nông nghiệp tỉnh đang dần tạo được những bước đi bền vững trong việc liên kết và tiêu thụ với doanh nghiệp. Ở đây, phải kể đến thành công của mô hình liên kết giữa nông dân với Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà. Với chính sách ưu đãi thu mua lúa cao hơn thị trường 200 đồng/kg và hỗ trợ 10 đồng/kg cho xã viên hợp tác xã, mô hình bước đầu đã giải được bài toán liên kết tiêu thụ nông sản.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 53 mô hình sản xuất đạt hiệu quả. Nhiều vùng sản xuất rau màu, hoa, cây cảnh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Trong triển khai sản xuất nông nghiệp từ cây lúa, rau màu, cây ăn trái, ngành nông nghiệp đều chú ý phối hợp với các địa phương đưa giống mới có chất lượng, cho thu nhập cao vào các vùng sản xuất tập trung. Việc đổi mới tư duy “chuyển từ năng suất sang chất lượng, hiệu quả”, song hành với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đã đưa đến kết quả rất khả quan.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp phát huy lợi thế cạnh tranh, hiệu quả, bền vững, đáp ứng được các yêu cầu mới của tái cơ cấu kinh tế, tạo ra hướng tăng trưởng kinh tế mới cho tỉnh Đồng Tháp, trên cơ sở lấy nông nghiệp làm xuất phát điểm. Đó là chương trình nhân rộng mô hình CĐML, đề án cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản trong các vùng sản xuất hàng hóa”...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn