Trái cây Đồng Tháp trên đường hội nhập
Cập nhật ngày: 10/04/2015 13:17:13
Ngoài thế mạnh về cây lúa và phát triển ngành thủy sản nước ngọt, Đồng Tháp còn có vùng chuyên canh cây ăn trái lớn với diện tích hơn 25 ngàn ha với các loại cây trồng chủ lực như: xoài, nhãn và cây có múi. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trái cây của tỉnh Đồng Tháp không những tăng nhanh về sản lượng mà chất lượng cũng được nâng lên. Hiện nay, một số sản phẩm trái cây của tỉnh bắt đầu xuất khẩu ở các thị trường khó tính trên thế giới.
Xoài Cao Lãnh đã có mặt ở nhiều thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc...
Xác định phát triển mô hình kinh tế hợp tác là yếu tố cốt lõi giúp nhà vườn thoát khỏi tư duy sản xuất “tiểu nông”, là chìa khóa để hội nhập và thành công trong cơ chế kinh tế mới, thời gian qua, ngoài chuyển giao kỹ thuật mới đến bà con nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh còn phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và phát triển mạnh mô hình kinh tế tập thể rộng khắp trên toàn tỉnh. Theo Hội Làm vườn tỉnh, hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 6 hợp tác xã (HTX) và 55 tổ hợp tác (THT) sản xuất cây ăn trái. Với những tổ chức này, Hội Làm vườn từng bước định hướng nhà vườn bố trí lại quy trình canh tác, chọn các giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Làm vườn tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuyển giao các mô hình sản xuất trái cây an toàn, đáp ứng cho nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 250ha đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP các loại cây ăn trái thế mạnh của tỉnh như: xoài, nhãn, cây có múi.
Việc thành lập các HTX, THT giúp nông dân có điều kiện cùng nhau liên kết tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín, giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giá cả cạnh tranh.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng trong việc chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực cây ăn trái có những bước tiến dài trong thời gian qua, trong đó không thể không nhắc đến “cuộc cách mạng” trong việc đưa kỹ thuật dùng túi bao trái áp dụng trên cây xoài. Kỹ thuật này đã giúp đặc sản xoài của Đồng Tháp khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình ở thị trường trong nước và bắt đầu xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Ngoài ra còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho nhà vườn và giúp nông dân nhận thức sâu và có trách nhiệm hơn với sản phẩm do mình làm ra.
Hiện nay, ngoài xoài Cao Lãnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông... vùng sản xuất nhãn Idor theo tiêu chuẩn an toàn của huyện Châu Thành cũng đang tất bật đóng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, nhờ sản xuất theo qui trình an toàn, các vùng cây ăn quả được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn đã có những bước khởi đầu tốt đẹp khi ngày càng nhiều đối tác, doanh nghiệp đến đặt vấn đề hợp tác, bao tiêu đầu ra như sản phẩm thanh long ruột đỏ ở huyện Châu Thành, Lai Vung; quýt đường của huyện Lai Vung...
Chia sẻ về những kế hoạch sắp tới trong việc phát triển cây ăn trái của tỉnh, ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Trong đó, việc thay đổi tập quán canh tác cũng như nhận thức của bà con nông dân là vấn đề mấu chốt cần tập trung tháo gỡ. Song song đó, quy mô về vùng nguyên liệu hiện nay còn khá hạn chế như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không thể sử dụng cơ giới hóa để tiết kiệm chi phí; chất lượng sản phẩm không đồng nhất, sản phẩm cung cấp không có tính liên tục, sản lượng nhỏ không đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu của các nhà doanh nghiệp...
Để khắc phục những khó khăn trên và tạo sức bật từ những kết quả đã đạt, thời gian tới tiếp tục tập trung phát triển mô hình kinh tế tập thể, nhân rộng diện tích sản xuất trái cây an toàn; đồng thời bố trí lịch rải vụ trên các loại cây ăn trái chủ lực và gắn với doanh nghiệp bao tiêu. Đây là những giải pháp trước mắt, tuy nhiên để nâng cao giá trị của cây ăn quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập từ làm vườn thì việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng là lộ trình mà ngành nông nghiệp đang hướng tới. Trong đó, việc đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch là điều tất yếu. Sắp tới, các sản phẩm nhằm tăng cao giá trị gia tăng sẽ được ưu tiên phát triển như sản phẩm trái cây sấy, trái cây đóng hộp, nước ép trái cây... Bên cạnh đó, Hội Làm vườn tỉnh cũng đang xây dựng mô hình sản xuất xoài an toàn kết hợp với phát triển du lịch, giúp nhà vườn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập đây còn là kênh quảng bá, giới thiệu thế mạnh nông nghiệp của tỉnh đến bạn bè gần xa.
Mỹ Lý