Triển khai kế hoạch đảm bảo sản xuất vụ thu đông 2022

Cập nhật ngày: 02/06/2022 06:11:39

ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong vụ thu đông 2022, toàn tỉnh sẽ xuống giống 113.600ha diện tích lúa. Trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 70% diện tích xuống giống. Ngoài ra, tổng diện tích gieo trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày đạt 8.123ha, bao gồm các loại cây trồng chủ lực như: bắp, khoai lang, ớt...


Nông dân chú trọng thực hiện khâu làm đất trước khi xuống giống

Trong vụ sản xuất thu đông, dự kiến diện tích xả lũ gần 88.200ha trên 510 ô bao. Thời gian xả lũ từ ngày 1/7 - 15/12/2022, áp dụng cụ thể đối với từng khu vực của từng địa phương.

Để đảm bảo sản xuất bền vững cho vụ thu đông 2022, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương tùy theo điều kiện từng vùng, xác định cụ thể diện tích sản xuất vụ thu đông 2022 trên cơ sở chủ động phòng, chống sâu bệnh, mưa, lũ, tiêu úng kịp thời kết hợp kế hoạch xả lũ của huyện, thành phố. Đồng thời chỉ xuống giống ở những diện tích có bờ bao chống lũ triệt để nhằm đảm bảo sản xuất an toàn; thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng, cày hoặc xới phơi đất trước khi xuống giống, bảo đảm thời gian cách ly 2-3 tuần với vụ hè thu để hạn chế ngộ độc hữu cơ.

Đối với những ô đê bao không xuống giống thu đông 2022, các địa phương chú ý xả lũ sau khi kết thúc vụ hè thu 2022 cần kiểm tra, theo dõi thường xuyên để đảm bảo không ảnh hưởng đến các ô đê bao có kế hoạch xuống giống. Trên những vùng, khu vực sản xuất lúa vụ thu đông 2022 phải xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy, hạn chế thấp nhất sự phát sinh gây hại của sâu bệnh.

Bên cạnh đó, dựa vào tình hình thực tế sản xuất vụ hè thu 2022, các huyện, thành phố căn cứ vào các điều kiện như: rầy di trú, thủy triều, tình hình mưa, mực nước lũ, kế hoạch xả lũ, hệ thống thủy lợi từng vùng để xác định cụ thể thời điểm xuống giống phù hợp từng ô bao, khu vực ở địa phương.

Sở NN&PTNT yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm”, mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, khuyến khích mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP. Đồng thời thực hiện các giải pháp củng cố hợp tác xã, tổ hợp tác, thông tin, tuyên truyền, vận động nông dân liên kết sản xuất, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để lúa hàng hóa đạt chất lượng theo yêu cầu thị trường...

Tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự, theo kế hoạch xả lũ năm 2022, địa phương tiến hành xả lũ 11 ngàn hecta diện tích đất sản xuất để lấy phù sa, bao gồm 9 ngàn hecta tại các khu đê bao không đảm bảo an toàn và khu 2600ha ở xã Thường Phước 2 và thị trấn Thường Thới Tiền. Đây là khu đê bao khép kín của huyện, 5 năm thực hiện xả lũ 1 lần.


Sông Tiền - đoạn thuộc bờ kè thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự

Bên cạnh khảo sát các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, tham mưu ngành huyện đôn đốc thi công đảm bảo tiến độ; 2 địa phương Thường Phước 2 và thị trấn Thường Thới Tiền cũng đã lên kế hoạch thông báo rộng rãi đến người dân về việc xả lũ; kiểm tra xử lý nghiêm những hộ tự ý xuống giống không theo quy hoạch. Dự kiến thời gian xả lũ từ ngày 6/8/2022 âm lịch, sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu khoảng 10 ngày và tùy vào tình hình mực nước lũ thực tế sẽ có những điều chỉnh phù hợp.

Văn Bử

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn