Nông dân Nguyễn Văn Hoàng
Trồng bưởi hữu cơ kết hợp tạo hình sản phẩm mang lại thu nhập khá
Cập nhật ngày: 01/01/2022 09:29:48
ĐTO - Thời gian qua, tình hình dịch bệnh bùng phát trên các loại cây ăn trái cùng với biến đổi khí hậu khiến việc sản xuất của nhà vườn gặp không ít khó khăn. Từ thực tế đó, anh Nguyễn Văn Hoàng (SN 1982 ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò) quyết định chuyển hướng sang trồng bưởi hữu cơ và tạo hình bưởi chưng Tết. Mô hình này mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Anh Hoàng bên sản phẩm bưởi tạo hình. Ảnh: M.N
Anh Hoàng chia sẻ, 3.000m2 đất của gia đình trước đây chủ yếu trồng quýt đường nhưng hiệu quả kinh tế chưa như mong đợi do cây bị bệnh vàng lá thối rễ, giá cả bấp bênh, đầu ra khó khăn.
Năm 2017, trong một lần tình cờ đến nhà người quen, anh Hoàng thấy mô hình trồng bưởi da xanh rất hiệu quả, bán giá cao. Đặc biệt là mô hình này sử dụng phương pháp sinh học nên cây ít sâu bệnh. Từ đó, anh Hoàng quyết định cải tạo 3 công vườn để trồng bưởi da xanh theo phương pháp hữu cơ nhằm đảm bảo được tính bền vững cho đất, sức khỏe cho nông dân và an toàn cho người sử dụng nông sản.
Trồng theo phương thức này, anh Hoàng đưa ra công thức phân bón hữu cơ bằng cách ủ các loại phân gà, vịt, ốc... dùng để bón cho cây trồng nhằm thay thế phân bón hóa học. Giải pháp này giúp gia đình anh mỗi năm giảm gần 40% chi phí sản xuất so với lối canh tác truyền thống. Ngoài phân tự ủ để bón cây, anh Hoàng còn sử dụng phân sinh học để phun qua lá. Sự kết hợp này có tác dụng làm “trẻ hóa” cây, đồng thời làm tăng vi sinh vật trong đất, giúp đất tơi xốp.
Anh Hoàng tâm sự, canh tác theo hướng hữu cơ thời gian đầu có chút khó khăn, cây bưởi chưa thể hấp thu nhanh dinh dưỡng như phân vô cơ nên cây chưa cho trái nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian chăm sóc, phân hữu cơ phát huy hiệu quả hơn giúp cây xanh tốt, cho năng suất cao và cho ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon, ngọt đậm, vàng ươm, được khách hàng và thương lái rất ưa chuộng.
Không dừng lại ở việc sản xuất bưởi hữu cơ, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm độc, lạ chưng Tết nên năm 2020 anh Hoàng bắt đầu mày mò làm bưởi tạo hình theo cách riêng của mình. Qua nhiều lần thất bại, dịp Tết Nguyên đán năm 2021, anh Hoàng đã có những sản phẩm bưởi tạo hình đưa ra thị trường với giá từ 1 – 1,5 triệu đồng/cặp. “Tiếp nối thành công đó, năm 2022, tôi dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường hơn 350 cặp bưởi (tăng hơn năm qua 50 cặp) với các tạo hình độc đáo như thỏi vàng, giọt nước, hồ lô với các chữ Tài, Lộc, hình lá bồ đề... Ngoài ra, tôi còn ra mắt thị trường bưởi tạo hình lên chậu với mong muốn đem lại cho các gia đình sự bình an đầu năm mới”, anh Hoàng chia sẻ.
Hiện nay, có 50% sản phẩm bưởi tạo hình của anh Hoàng được khách hàng đặt mua
Theo anh Hoàng, trồng bưởi hữu cơ, kết hợp tạo hình cho bưởi phục vụ chưng Tết giúp gia đình anh tăng thu nhập hơn 30% so với sản xuất theo phương thức truyền thống. Cụ thể, với 300 cặp bưởi tạo hình năm 2021 cùng với 2,5 tấn bưởi thương phẩm mang lại thu nhập cho gia đình gần 300 triệu đồng. “Tất nhiên, việc canh tác bưởi hữu cơ và tạo hình độc đáo cho quả bưởi không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, với quyết tâm muốn nâng cao thu nhập, giá trị cho nông sản đã thôi thúc tôi kiên trì thực hiện và đạt được thành công bước đầu”, anh Hoàng nhấn mạnh.
Với việc thay đổi tư duy sản xuất cùng với sự tìm tòi, sáng tạo, anh Nguyễn Văn Hoàng đã tạo ra giá trị mới cho nông sản. Đồng thời đây còn là nguồn cảm hứng khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm cho người nông dân trong việc kiên trì với mục tiêu, mong muốn nâng cao giá trị nông sản quê hương, đáp ứng với nhu cầu thị trường...
MN