Trồng xoài rải vụ, hướng đi giàu tiềm năng

Cập nhật ngày: 22/12/2016 06:34:27

ĐTO - Trồng xoài rải vụ là giải pháp giúp điều tiết sản lượng xoài nhằm cân bằng cán cân cung cầu, giúp nông dân trồng xoài thu được lợi nhuận cao. Mặc dù vậy, mô hình sẽ hoàn hảo hơn nếu giải quyết tốt thực trạng năng suất đạt thấp...


Canh tác xoài rải vụ giúp bà con bán được giá cao

Hướng đi mới cho trái xoài

Cây xoài là nông sản thế mạnh của Đồng Tháp, 1 trong 5 ngành hàng được tỉnh chọn thực hiện trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. So với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng Tháp có diện tích canh tác xoài lớn nhất với 9.300ha, sản lượng tương ứng gần 330.000 tấn trái.

Tuy nhiên, không riêng Đồng Tháp mà hầu hết các tỉnh có diện tích canh tác xoài đều có tâm trạng “ray rứt” khi nhiều lúc giá xoài giảm “không phanh”. Nguyên nhân chính do sản lượng xoài thu hoạch cùng một thời điểm quá lớn, khiến cán cân cung cầu chênh lệch dẫn đến thực trạng trên. Trong khi vào những tháng mùa nghịch, nhiều doanh nghiệp phải tất bật tìm nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng với giá cao ngất ngưỡng.

Trước tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm giải pháp khắc phục bằng mô hình thu hoạch xoài rải vụ cho các tỉnh trồng xoài khu vực ĐBSCL. Theo thống kê, năm 2016, tổng diện tích trồng xoài rải vụ các tỉnh trong khu vực trên 8.700ha, có xu hướng tăng nhẹ so với năm qua, sản lượng đạt trên 106.000 tấn trái. Trong đó, Đồng Tháp có diện tích xoài rải vụ cao nhất trên 2.800ha, cho thu hoạch vào các tháng 1, 2 và tháng 6, 12.

Tại hội nghị sơ kết rải vụ thu hoạch xoài khu vực ĐBSCL năm 2016, đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực khẳng định, việc trồng xoài rải vụ đang mở ra hướng đi mới cho sản phẩm, tránh được tình trạng trúng mùa mất giá và đặc biệt giá xoài rải vụ bán cao gấp 1,5-2 lần so với xoài canh tác truyền thống.

Chính việc điều tiết sản lượng, đảm bảo được nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường đã giúp sản lượng xoài liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp tăng mạnh. Trong năm 2016, tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang liên kết với các doanh nghiệp xuất xoài sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zeanland, Nga. Tại Đồng Tháp, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc đến tìm hiểu bàn bạc tiêu thụ xoài. Riêng các doanh nghiệp Good Life, Yasaka, Rồng Đỏ, Long Uyên đã liên kết với nông dân, hợp tác xã tỉnh nhà thu mua 10.500 tấn xoài phục vụ xuất khẩu tươi và chế biến. Đây là con số đáng ghi nhận đối với nông sản thế mạnh của tỉnh. Bởi trong năm 2015, sản lượng xoài thông qua hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ chỉ đạt vỏn vẹn trên 1.000 tấn.

Thị trường tốt sẽ tháo gỡ những vướng mắc

Mô hình trồng xoài rải vụ mở ra nhiều điểm sáng trong sản xuất xoài nhưng vẫn chưa tạo sức hút với nông dân vì áp lực chi phí cao, năng suất thấp. Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện sản xuất rải vụ đòi hỏi nhà vườn phải có kỹ thuật canh tác cao nên diện tích tham gia vào mô hình vẫn còn khá khiêm tốn, sản lượng chưa đủ để cung ứng cho thị trường.

Ông Võ Việt Hưng - Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương chia sẻ: “Mô hình canh tác xoài rải vụ giúp bà con khắc phục được tình trạng trúng mùa rớt giá. Tuy nhiên, bước đầu chưa đạt kết quả cao, cần phải có thời gian rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình”.

Một trong những yếu tố khiến mô hình chưa đạt hiệu quả tối ưu chính là nông dân hiểu chưa đúng về canh tác xoài rải vụ. Mục đích chính của mô hình là định hướng cho bà con tập trung sản xuất mùa nghịch nhưng nông dân trồng xoài lại ngầm hiểu ngoài mùa thuận họ còn thêm mùa nghịch, tức là xử lý xoài ra hoa cả 2 vụ.

Theo PGS.TS Trần Văn Hâu - Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay đa số nông dân trồng xoài làm 2 vụ/năm là tác nhân khiến cây kiệt quệ, tỷ lệ ra hoa, đậu trái thấp. Để tạo “lực” cho cây, nông dân lại tăng cường sử dụng thuốc hóa học, một lần nữa làm cây càng suy kiệt, kéo theo giá thành không ngừng đội lên. Đáng ngại hơn là sản phẩm sẽ khó đặt chân vào thị trường khó tính vì xoài còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi thu hoạch.

Đứng trước thách thức về năng suất đạt chưa cao, tại hội nghị sơ kết rải vụ thu hoạch xoài khu vực ĐBSCL năm 2016, nông dân trồng xoài cho rằng, Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ người trồng xoài. Còn theo đại diện Cục Trồng trọt, Nhà nước chỉ hỗ trợ nông dân về khâu kỹ thuật canh tác. Bởi nông dân chính là người thụ hưởng từ mô hình khi giá bán xoài cao gấp 2 lần so với kiểu sản xuất truyền thống.

PGS.TS Trần Văn Hâu chia sẻ hướng đi cho mô hình: “Để khắc phục tình trạng tỷ lệ ra hoa đậu trái thấp trong sản xuất xoài rải vụ, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp các tỉnh cần có hội thảo hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình. Điểm quan trọng nhất để tạo động lực, thu hút người tham gia vào mô hình này chính là đầu ra được đảm bảo, cộng với giá bán cao...”.

KHÁNH DUY

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn