Khô truyền thống - sản phẩm cũ, cách làm mới

Cập nhật ngày: 17/12/2016 06:38:15

ĐTO - Mấy chục năm gắn bó với nghề nuôi cá, song kinh tế gia đình ông Trần Văn Á (chủ cơ sở sản xuất Út Á, TX.Hồng Ngự) chỉ thật sự khởi sắc khi phát triển sang lĩnh vực chế biến khô. Việc được hỗ trợ thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN), ngành nghề sản xuất khô truyền thống của gia đình ông Á như được tiếp thêm sức mạnh để phát triển.


Máy sấy giúp sản phẩm khô chất lượng và đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

Khoảng cuối năm 2013, khi công việc chăn nuôi thủy sản của gia đình gặp nhiều khó khăn, gia đình ông Trần Văn Á đã tìm hướng đi mới - chế biến khô cá lóc từ nguồn nguyên liệu tại chỗ. Với kinh nghiệm lâu năm của cư dân vùng đầu nguồn trong chế biến khô, mắm..., sản phẩm khô cá lóc của cơ sở sản xuất khô Út Á, phường An Lạc, TX.Hồng Ngự đã từng bước chinh phục thị trường. Không những sản phẩm được tiêu dùng tại nhiều chợ truyền thống của tỉnh Đồng Tháp mà nhiều mối lái, khách hàng của các tỉnh bạn cũng đến cơ sở đặt hàng.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở chế biến khoảng 500kg các lóc nguyên liệu, góp phần giúp người nuôi cá lóc ở địa phương tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất kinh doanh của cơ sở vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, những ngày ít nắng hoặc trời mưa, độ ẩm trong cá khô còn khá lớn gây khó khăn cho việc bảo quản và tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc phơi khô ngoài môi trường tự nhiên cũng làm cho chất lượng khô bị giảm sút. Do đó, cơ sở đã quyết tâm đầu tư, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất khô.

Nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất công nghiệp tại các cơ sở và doanh nghiệp nhỏ, vừa qua Trung tâm KC&TVPTCN đã hỗ trợ các loại máy móc thiết bị hiện đại như: máy sấy, tủ đông và máy hút chân không, phục vụ sản xuất và chế biến khô cá lóc tại cơ sở sản xuất khô Út Á với tổng kinh phí 100 triệu đồng (nguồn kinh phí khuyến công địa phương).

Ông Trần Văn Á cho biết: “Với những máy móc thiết bị được Trung tâm KC&TVPTCN hỗ trợ, cơ sở giải quyết được bài toán khó về thời tiết. Ngoài ra, với hiệu quả của những loại máy móc này, cơ sở sẽ chủ động hàng hóa hơn vào những dịp lễ, Tết. Ước tính sau khi đầu tư thiết bị, năng suất có thể tăng từ 30 – 35%. Hơn thế, đây còn là tiền đề quan trọng để sản phẩm từng bước hoàn thiện và chinh phục các kênh tiêu thụ chuyên nghiệp và cao cấp hơn”.

Đánh giá về tác động của dự án được hỗ trợ, ông Trần Phước Lộc - Trưởng phòng Kinh tế TX.Hồng Ngự cho rằng, dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp làng nghề làm khô cá của địa phương phát triển, giúp bà con nâng cao ý thức và trách nhiệm hơn trong sản xuất. Ngoài ra, đây còn là giải pháp giúp định hướng sản xuất cho bà con ở làng nghề làm khô. Hiện tại, địa phương cũng đang hỗ trợ giúp cơ sở sản xuất khô Út Á xây dựng nhãn hiệu khô cá lóc Hồng Ngự đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, để từ đó từng bước giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng nhằm mở rộng thị trường ở các tỉnh, vùng lân cận, TP.Hồ Chí Minh, thị trường Campuchia... ngành sản xuất khô cá không những tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương mà đây còn là giải pháp giúp đa dạng sản phẩm cho ngành nghề chăn nuôi, giúp nông dân nuôi cá chủ động đầu ra trong sản xuất. Trong thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phát triển “dài hơi” hơn cho ngành hàng đặc thù này.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn