Nâng cao hiệu quả quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo

Cập nhật ngày: 16/12/2016 15:45:42

ĐTO - Vừa qua, Sở Công Thương Đồng Tháp và Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh tổ chức họp trao đổi thông tin về Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (Đề án được UBND TP.Hồ Chí Minh phê duyệt ngày 15/8/2016).


Người tiêu dùng luôn mong muốn sử dụng thịt heo sạch

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh đã trình bày nội dung về quyền và nghĩa vụ của các hộ chăn nuôi, kinh doanh thịt heo khi tham gia Đề án. Theo đó, khi tham gia, cơ sở chăn nuôi phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc được đánh giá từ loại B trở lên; có cam kết chăn nuôi an toàn đối với hộ nông dân chăn nuôi; có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận VietGAP đối với các trại chăn nuôi tập trung với tổng đàn heo thịt từ 100 con trở lên đối với trại tại các tỉnh.

Bên cạnh đó, với cơ sở giết mổ phải đăng ký kinh doanh và có giấy chứng nhận được đánh giá từ loại B trở lên, dây chuyền giết mổ công nghiệp hoặc bán công nghiệp, công suất thực tế giết mổ từ 100 con/ngày trở lên.

Đối với cơ sở, tổ chức, cá nhân kinh doanh heo và thịt heo tươi sống phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nguồn nguyên liệu đầu vào là sản phẩm tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại được xem là một giải pháp đảm bảo chất lượng với ngành hàng thịt heo. Thế nên, việc sớm triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặt biệt là trong đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Bởi với hệ thống quản lý thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin, người tiêu dùng có thể dùng Smartphone (điện thoại thông minh) để kiểm tra nguồn gốc thịt heo...

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn