Từ chỉ số PCI nghĩ về giải pháp nâng cao hiệu quả môi trường cạnh tranh của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới
Cập nhật ngày: 04/05/2023 05:39:07
ĐTO - Hơn 11 năm liền, tỉnh Đồng Tháp nằm trong top 5 tỉnh đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Quốc gia. Đó là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Có thể nói, một trong những giải pháp đột phá của tỉnh đó là sự quyết tâm chuyển từ tư duy quản lý “mệnh lệnh hành chính” sang tư duy “đồng hành cùng doanh nghiệp” trong cả hệ thống chính trị, tập trung cải thiện hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức... trong thực thi trách nhiệm công vụ.
Người dân được hỗ trợ, hướng dẫn khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP Cao Lãnh (Ảnh: D.C)
Mặc dù đã có nhiều bứt phá trong xây dựng môi trường cạnh tranh thuận lợi cho doanh nghiệp, song, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc. Đối với tỉnh Đồng Tháp, là địa phương có thế mạnh chủ yếu về nông nghiệp, số lượng các doanh nghiệp còn ít, quy mô chỉ ở mức vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp phát triển thành lập mới có tăng nhưng số lượng giải thể vẫn còn cao, cơ sở sản xuất kinh doanh ngại đăng ký thành lập doanh nghiệp, thậm chí có trường hợp từ doanh nghiệp xin rút về quy mô cơ sở. Sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương các cấp chưa đồng đều, vẫn còn nhiều quy định cá biệt chồng chéo với văn bản quy định của cấp trên.
Tìm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng đồng nghĩa với việc cố gắng tìm giải pháp để thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự tham gia thị trường cho tất cả các chủ thể kinh tế. Trong đó, một số giải pháp kiến nghị như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và doanh nghiệp FDI. Trong mối quan hệ đó, ưu tiên mục tiêu phát triển quy mô, số lượng doanh nghiệp trong tỉnh để kích thích sự mở rộng của thị trường, kích thích nhu cầu và phát triển kinh tế từ nội lực; kêu gọi doanh nghiệp ngoài tỉnh để đa dạng thị trường cạnh tranh và cũng là động lực để doanh nghiệp địa phương học hỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với doanh nghiệp FDI, cần tận dụng doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư như: Công ty Dầu gạo Sethia (Ấn Độ), Công ty Cargrill (Mỹ), Công ty Sunrice (Úc), Công ty Mavin Ausfeed (Úc), Công ty Nghị Phong (Đài Loan), Công ty bánh gạo One One (Nhật)... để giới thiệu. Các doanh nghiệp này sẽ là kênh xúc tiến đầu tư hiệu quả, là tiếng nói thực tế nhất để kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI tin tưởng chọn Đồng Tháp là điểm đến đầu tư.
Thứ hai, cần có những chính sách, chương trình hỗ trợ nhằm hạn chế các rủi ro của thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp còn non trẻ, đồng thời tận dụng tốt nhất mọi nguồn lực từ bên ngoài. Tỉnh có thể thành lập Tổ tư vấn chuyên ngành về kinh tế, tài chính độc lập để có tầm nhìn khách quan, đa chiều; quan trọng nhất là phải đánh giá được giá trị thực của nền kinh tế hiện tại, đâu là điểm nghẽn, đâu là những cái khó mà dưới góc độ những nhà làm chính sách chưa nhìn thấy, từ đó đưa ra những khuyến nghị giúp cho chính quyền địa phương.
Thứ ba, tạo nhiều diễn đàn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và có cơ chế phản hồi thông tin linh hoạt, hiệu quả những nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hiện nay, lỗ hổng thông tin giữa chính quyền và doanh nghiệp gây không ít những hệ lụy và làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh chưa minh bạch, thiếu thông tin dẫn đến nhà đầu tư không thể ra quyết định chính xác, thậm chí là từ bỏ ngay từ giai đoạn đầu. Do đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, kết nối dễ dàng, nhanh chóng và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng để “dọn chỗ” cho nhà đầu tư là cần thiết.
Thứ tư, quan trọng nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo thông suốt, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất (đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới), xây dựng hoàn thiện hạ tầng thông tin dựa trên nền tảng kinh tế số, đa dạng các loại hình dịch vụ, xây dựng các khu nhà ở cho chuyên gia, doanh nghiệp... để thu hút về đầu tư tại địa phương.
Kết quả chỉ số PCI là yếu tố thuận lợi để quảng bá môi trường đầu tư cho địa phương. Tuy nhiên, để làm cho môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao phải cần quan tâm đến nhiều yếu tố khác, đó là: thời gian giải quyết nhanh, thông suốt các quy trình, thủ tục hành chính, quy trình bàn giao mặt bằng; sự giải thích rõ ràng và hỗ trợ đến tận cùng của cán bộ phụ trách đối với từng dự án; hệ thống thông tin về chính sách, thủ tục đầu tư, quy hoạch được công khai minh bạch và dễ dàng tiếp cận; mức độ sẵn sàng đối thoại của các cấp lãnh đạo với doanh nghiệp, nhà đầu tư... Đó là những chi phí vô hình mà doanh nghiệp phải tính vào khi tham gia thị trường mới, do đó phải ở mức thấp nhất và quan trọng là thời gian phải nhanh chóng, ít đầu mối nhất có thể.
Đồng Tháp còn nhiều khó khăn, trong đó, vị trí địa lý cách xa các trung tâm thương mại lớn của vùng, khu vực. Do đó, muốn thành công, địa phương cần phải nhanh hơn, quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp để bù lại những hạn chế về mặt địa lý. Tin rằng, với những cố gắng nỗ lực mạnh mẽ thời gian qua của tập thể lãnh đạo tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của người dân tỉnh nhà, cùng với một tâm thế luôn quyết tâm hướng về phía trước, tỉnh Đồng Tháp sẽ không ngừng gặt hái những thành công mới, hướng đến là một địa chỉ tin cậy, hấp dẫn để các nhà đầu tư lựa chọn, đầu tư trong thời gian tới.
NGUYỄN P. CƯỜNG