Ứng dụng công nghệ trong ngành hàng lúa gạo
Cập nhật ngày: 26/10/2022 13:23:20
ĐTO - Tỉnh đã và đang tập trung ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhiều lĩnh vực đã đạt kết quả quan trọng, trong đó có ngành hàng lúa gạo. Các mô hình mới, công nghệ trong sản xuất lúa ngày càng thu hút sự quan tâm của nông dân, giúp giảm công lao động, hạ giá thành, nâng chất lượng sản phẩm...
Bẫy đèn thông minh phục vụ công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh, di trú của rầy nâu
Các ứng dụng quy trình công nghệ mới trong sản xuất và quản lý dịch bệnh trên cây lúa đã được nông dân áp dụng rộng rãi: quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới tiết kiệm nước, bón phân vùi, sử dụng máy cấy, ứng dụng cơ giới hóa... chiếm 30% diện tích gieo trồng lúa; diện tích sạ hàng, sạ thưa chiếm 50%, sử dụng giống xác nhận chiếm 75%; cơ giới hóa áp dụng chủ yếu trên cây lúa ở các khâu như: làm đất (100%), gieo sạ bằng máy (88,9%) và thu hoạch (gần 100%).
Công nghệ máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) (Drone) đã được áp dụng đối với một số diện tích canh tác lúa trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Tam Nông đã thành lập 1 Cơ sở dịch vụ phun thuốc BVTV bằng Drone. Hiện nay trên địa bàn có được 30 máy Drone hoạt động khá hiệu quả.
Tỉnh đã ứng dụng bẫy đèn thông minh trong công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh, di trú của rầy nâu làm cơ sở khuyến cáo lịch gieo sạ lúa “né rầy”. Hiện nay, toàn tỉnh có 13 hệ thống này được lắp đặt và sử dụng tại các vùng sinh thái trồng lúa và cây ăn trái tại các huyện: Tân Hồng, Thanh Bình, Lấp Vò, Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung và Tháp Mười.
Trên địa bàn tỉnh có 112 máy cuốn rơm các loại, với công suất bình quân 5ha/ngày (100 cuộn/ha) đáp ứng khoảng 15.450ha/vụ (chiếm khoảng 7,5% diện tích 1 vụ lúa của tỉnh). Rơm cuộn được bán trong nội tỉnh phục vụ cho nhu cầu chất nấm hoặc ủ phân hữu cơ từ rơm và phân bò kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma, giữ ẩm cho đất trồng cây ăn trái...
Mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười) phối hợp Công ty Rynan Smart Fertilizers thực hiện (66,5ha). Mô hình thực hiện cơ giới hóa toàn diện từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch, cụ thể: sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy cấy hiện đại cùng lúc thực hiện 3 chức năng: cấy lúa, bón phân thông minh tan chậm một lần cho cả vụ và phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc, bón vùi phân tan chậm; sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý tưới ngập khô xen kẽ (AWD) thao tác qua điện thoại thông minh; ứng dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh; phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái, thu gom rơm bằng máy.
Hiện tỉnh có khoảng 30% doanh nghiệp chế biến lương thực đầu tư đồng bộ hệ thống tháp sấy tuần hoàn theo công nghệ hiện đại, các quy trình sấy được số hóa từ khâu đưa nguyên liệu sấy, xay xát thành gạo, lọc sạn, đánh bóng đến đóng gói, bảo quản... Việc đầu tư này giúp nâng cao chất lượng gạo.
Tuy nhiên, tỉ lệ áp dụng cơ giới hóa như san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, máy cấy, sử dụng Drone trong phun thuốc BVTV vẫn còn thấp. Trình độ sản xuất của nông dân không đồng đều, còn nhiều trở ngại trong ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, lưu nhật ký điện tử trên smartphone. Phần lớn các kho chứa là kho hở, xây gạch bê-tông truyền thống và mái che nên không thể dùng hệ thống bảo quản và sấy tự động, chưa đạt yêu cầu kỹ thuật để bảo quản lúa gạo dài ngày từ 6 - 12 tháng; kho lạnh, kho mát chưa nhiều, đầu tư hệ thống silo gắn với hệ thống sấy hiện đại để bảo quản lúa dài ngày, đảm bảo chất lượng, nhưng chi phí cao nên chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Ứng dụng các công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản vào nhiều khâu, lĩnh vực là một yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các mô hình mới trong sản xuất kinh doanh, quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu người tiêu dùng (chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiện ích...), tạo ra dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của nông dân. Qua đó, góp phần giảm giá thành sản xuất và gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
TN