Vai trò của chính sách khuyến công trong nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Cập nhật ngày: 20/04/2023 17:20:24

ĐTO - Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công  nghiệp Đồng Tháp (KC&TVPTCN) triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến công gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Từ đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương...


Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ Công ty TNHH Tây Cát (huyện Lai Vung) cải tiến máy móc thiết bị sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm bánh, mứt

Theo Trung tâm KC&TVPTCN, thời gian qua, các Đề án Khuyến công địa phương, Khuyến công Quốc gia tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT theo hướng có trọng tâm, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Một số ngành nghề được tập trung hỗ trợ là công nghiệp chế biến rau quả, nông sản; sản xuất các sản phẩm sau gạo... Trong năm 2022, có 16 Đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 19 cơ sở CNNT (trong đó, Đề án Khuyến công địa phương thực hiện 14 đề án hỗ trợ cho 17 cơ sở, với kinh phí hỗ trợ hơn 3,3 tỷ đồng và Đề án Khuyến công Quốc gia thực hiện 2 đề án hỗ trợ cho 2 cơ sở, với kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng).

Cùng với đó, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp cũng đã được Sở Công Thương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong năm 2022, Trung tâm KC&TVPTCN hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực. Kết quả có 18 sản phẩm được công nhận. Từ kết quả này, Sở Công Thương đã đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023.

Đối với công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022, Sở Công Thương tổ chức thành công, kết quả có 28 sản phẩm được công nhận. Với kết quả bình chọn này, các cơ sở có sản phẩm đạt giải được ưu tiên hỗ trợ kinh phí ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất và giới thiệu, quảng bá tại các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để phát triển thị trường. Mặt khác, đây còn là động lực rất lớn để các cơ sở CNNT tích cực hơn trong việc cải tiến công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, xuất khẩu...

Trong năm 2022, Trung tâm KC&TVPTCN cũng hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia 3 đợt hội chợ triển lãm trong nước nhằm giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Ông Phạm Thanh Bình - chủ hộ kinh doanh Cơ sở chế biến nông sản sấy Thanh Bình (huyện Cao Lãnh) cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mua sắm những thiết bị máy móc tiên tiến để chế biến nông sản. Qua đó giúp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chí phí nhân công, tăng năng suất hơn 50%. Đặc biệt, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản địa phương, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo đầu ra ổn định và giá trị tăng thêm”.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động khuyến công hướng đến việc nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm vẫn còn gặp khó khăn. Cụ thể, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đa số thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ, hộ cá thể nên hạn chế về nguồn lực tài chính, chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn về lĩnh vực chế biến sâu mang tính dẫn dắt...

Ông Võ Quốc Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp, cho biết: “Thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai các hoạt động khuyến công, tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh triển khai các đề án nhóm nhằm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm là động lực giúp các cơ sở CNNT trong cùng lĩnh vực có thế mạnh của địa phương phát triển bền vững. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công, tăng cường các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông. Song song đó, tăng cường hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm ngoài tỉnh, tìm hiểu công nghệ kỹ thuật mới, máy móc hiện đại. Từ đó nghiên cứu áp dụng vào quy trình sản xuất kinh doanh...”.

Theo đó, trong việc hỗ trợ, Trung tâm KC&TVPTCN sẽ ưu tiên đối với những đề án đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng... trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng, tài nguyên bản địa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Các đề án hỗ trợ sẽ đồng hành cùng với Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến chuyên sâu các ngành công nghiệp chủ lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Sở Công Thương triển khai xây dựng... Điều này sẽ góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ nguyên liệu, sản phẩm của địa phương, từng bước phát huy hiệu quả về vốn, kinh nghiệm sản xuất và tiếp cận thị trường...

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn