Vay thí điểm chuỗi giá trị sản xuất cá tra và lúa gạo: Còn nhiều khó khăn

Cập nhật ngày: 10/06/2015 13:20:41

Đồng Tháp có 2 doanh nghiệp (DN) được vay thí điểm mô hình liên kết chuỗi sản xuất cá tra và lúa gạo. Theo các DN tham gia, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho DN và nông dân, tuy nhiên quá trình triển khai mô hình vẫn còn nhiều khó khăn...


Thu hoạch cá tra

“Lợi” nhưng còn khó

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp (NHNNĐT), thực hiện chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, Đồng Tháp có nhóm Công ty Hùng Cá (gồm Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty Cồ phần Vạn Ý, Công ty Cổ phần thức ăn thủy sản Hùng Cá) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) lựa chọn tham gia chương trình để thực hiện dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra với nhu cầu vốn vay dự kiến là 1.407 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của NHNN VN, Ngân hàng Công thương Đồng Tháp (NHCT-ĐT) và nhóm Công ty Hùng Cá đã ký hợp đồng vay vốn theo phê duyệt của NHNN VN. Tính đến 30/4/2015, NHCT-ĐT đã giải ngân cho nhóm Công ty Hùng Cá với dư nợ cho vay là 1.174 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Công ty Hùng Cá cho biết, từ nguồn vốn vay này, giá thành các loại sản phẩm: cá giống, thức ăn... đều hạ so với trước khi thực hiện thí điểm chuỗi. Bên cạnh đó, hộ liên kết được nhóm Công ty Hùng Cá hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng nên thu nhập tăng lên so với trước, ước tính tăng thêm khoảng 4,37%/ha/vụ so với trước khi thực hiện mô hình. Lợi nhuận của nhóm Công ty Hùng Cá cũng được nâng lên rõ rệt, qua đó giúp DN có thêm tích lũy để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động trên địa bàn tỉnh.

Đối với Công ty TNHH TM XNK Lộc Anh (Công ty Lộc Anh), công ty được NHNN VN lựa chọn tham gia chương trình để thực hiện Đề án cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết giá trị lúa gạo với nhu cầu vốn vay dự kiến là 980 tỷ đồng. Công ty Lộc Anh đã ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc dân (Ngân hàng Quốc dân) với thời hạn vay 3 tháng, lãi suất 6,5%/năm. Tính đến cuối tháng 4/2015, Công ty Lộc Anh được Ngân hàng Quốc Dân giải ngân cho vay với dư nợ 99 tỷ đồng, chiếm 10% nhu cầu vốn vay. Nguyên nhân của việc chậm giải ngân được Ngân hàng Quốc dân cho là Công ty Lộc Anh đang phát sinh nợ nhóm 2 và chưa hoàn thiện được các quy trình với đơn vị liên kết ngang – cung cấp vật tư đầu vào.

Ông Đoàn Văn Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lộc Anh cho biết, được thực hiện vay vốn theo mô hình liên kết chuỗi giá trị đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất và kinh doanh của DN và nông dân. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Quốc dân yêu cầu một số quy định riêng khiến DN khó đáp ứng. Cụ thể là ngay từ khi thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị, công ty đã triển khai chuỗi liên kết ngang từ hợp tác xã (HTX), kết nối DN cung ứng đầu vào, tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì vướng khâu Ngân hàng Quốc dân yêu cầu phải có bảo hiểm nông nghiệp, trong khi liên hệ với Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh thì nhận được thông tin là bảo hiểm nông nghiệp chỉ thực hiện thí điểm chứ chưa triển khai rộng rãi.

Bên cạnh đó, theo phương án của DN trong liên kết chuỗi lúa gạo là từ 6-18 tháng nhưng ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn là 3 tháng, do đó dư nợ 99 tỷ đồng bị xếp vào nợ nhóm 2 và chưa được ngân hàng tiếp tục giải ngân. Do vậy, trong số 6 HTX bán lúa cho Công ty Lộc Anh với diện tích 6.000ha thì chỉ có 2 HTX là Tân Cường và Phú Hiệp được ngân hàng giải ngân, 4 HTX còn lại vẫn chưa được giải ngân. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến mô hình liên kết chuỗi công ty đang triển khai, đồng thời giảm lòng tin của nông dân đối với DN trong thời gian tới.

Cần có cơ chế riêng

Theo ông Đoàn Văn Hiền, thời gian qua Công ty Lộc Anh duy trì liên tục việc thu mua lúa gạo cho nông dân trên địa bàn tỉnh theo hình thức liên kết tiêu thụ thông qua ký hợp đồng với HTX. Qua đó, góp phần ổn định thị trường lúa, gạo và tăng thu nhập cho nông dân; bước đầu thực hiện có kết quả mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vì vậy, để tạo điều kiện cho Công ty Lộc Anh có nguồn vốn đầu tư cho người dân trên địa bàn sản xuất tiếp vụ hè thu, đề nghị NHNN VN xem xét cho Công ty Lộc Anh được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiếp tục cho vay mới. Đồng thời, đề nghị NHNN VN sớm xem xét kiến nghị Ngân hàng Quốc dân về cơ chế bảo hiểm trong nông nghiệp đối với khoản vay của Công ty Lộc Anh đầu tư chi phí đầu vào cho nông dân thực hiện Đề án và việc cho vay vượt giới hạn cấp tín dụng.

Đối với nhóm Công ty Hùng Cá, mặc dù tình hình giải ngân tương đối thuận lợi nhưng khoản vay của công ty này lại gặp khó khăn ở quy định về “đảo nợ” trong trường hợp cho vay khâu chế biến để thu nợ khâu nuôi trồng đối với DN thực hiện khép kín từ khâu nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu. Vì vậy, công ty chưa được NHCT-ĐT cho vay thu mua sản lượng cá của hộ liên kết để đưa vào chế biến và thu nợ khâu nuôi. Trong thời gian tới, Công ty Hùng Cá và Công ty Vạn Ý sẽ mở rộng liên kết thêm với khoảng 20 hộ và đang mở rộng quy mô sản xuất nên nhu cầu vốn tăng mạnh nhưng ngân hàng chưa nhận tài sản bảo đảm là giá trị ao nuôi và chưa nhận tài sản hình thành trong tương lai đối với sản lượng cá trong ao nuôi từ 5 tháng trở lên.

Lý giải về vấn đề này, ông Võ Ngọc Diệp - Giám đốc NHCT-ĐT cho biết, ngân hàng còn vướng trong khâu định giá ao nuôi. Hiện chưa có quy định về mức cụ thể để định giá, trong khi DN đầu tư vào ao nuôi là rất lớn và chỉ được định giá là đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, vẫn chưa có cơ sở định giá sản lượng cá trong ao, nên ngân hàng chưa mạnh dạn thực hiện cho DN vay thêm. Do vậy, trong khi chờ NHNN VN hướng dẫn cụ thể về việc cho vay thí điểm mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp, đề nghị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương nghiên cứu, hướng dẫn quy trình cho vay thí điểm không xem việc cho vay khâu sau thu nợ khâu trước là đảo nợ đối với Công ty Hùng Cá và Công ty Vạn Ý để thực hiện Dự án đã được phê duyệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và NHCT-ĐT.

Về phía NHNN-ĐT, ông Nguyễn Ngọc Thạch đề nghị NHNN VN xem xét, sửa đổi quy định về nguyên tắc cho vay, theo hướng ngân hàng thương mại cho vay thí điểm đối với khách hàng có mục đích liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; việc cho vay khâu sau thu nợ khâu trước là không đảo nợ, đồng thời bổ sung quy định nhận tài sản thế chấp hình thành trong tương lai đối với sản lượng cá trong ao nuôi từ tháng 5 trở lên. Về khó khăn của Công ty Lộc Anh, đề nghị sớm xem xét kiến nghị Ngân hàng Quốc dân về cơ chế bảo hiểm trong nông nghiệp đối với khoản vay của Công ty Lộc Anh đầu tư chi phí đầu vào cho nông dân thực hiện Đề án và việc cho vay vượt giới hạn cấp tín dụng.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn