Xăng, điện, gas tăng giá: Người dân, doanh nghiệp đều gặp khó

Cập nhật ngày: 09/08/2013 06:22:11

Sau khi xăng, gas tăng giá thì ngay sau đó (từ ngày 1/8) lại thêm “cú bồi” điện tăng giá... Việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu này đã khiến cho người dân và doanh nghiệp đều bị “sốc”.


Mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng do tác động của việc tăng giá xăng dầu, điện

Chắt bóp chi tiêu khi điện, nước, xăng đều tăng

Anh Phạm Trung Sơn ở phường 4, thành phố Cao Lãnh than: “Điện, nước, xăng đều tăng đồng loạt, chắc lại phải đối mặt với một đợt tăng giá mới”. Anh cho biết, trước đây chỉ một thứ tăng mà gia đình đã phải tính toán chuyện chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Giờ các mặt hàng “rủ nhau” tăng giá cùng lúc, chắc không chỉ có mỗi gia đình anh mà nhiều gia đình khác cũng phải đối mặt với thời kỳ chắt bóp hơn nữa trong thời buổi bão giá này.

Còn chị Nguyễn Thanh Hương phường 11, TP.Cao Lãnh cho biết vợ chồng chị đều là công chức nhà nước, lương mới tăng không đáng là bao thì lại phải chi thêm hàng chục khoản do xăng dầu, gas, điện... đồng loạt tăng.

Đó là những tác động trực tiếp của việc tăng giá của xăng dầu, gas, điện... đối với người tiêu dùng, còn tác động gián tiếp của việc tăng giá này là đầu vào của mọi ngành hàng sản xuất, giá thành sản xuất sẽ phải tăng theo. Khi đó, hàng loạt doanh nghiệp (DN) sẽ phải tính lại kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp gặp khó

Ghi nhận từ các DN, trong giai đoạn khó khăn, việc điện, xăng, gas tăng giá khiến cho chi phí đầu vào các DN tăng thêm, kinh doanh thêm khó khăn. Theo nhiều DN, việc tăng giá lần này khiến cho họ phải chịu sức ép từ hai phía: người tiêu dùng giảm mua sắm trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Không còn cách nào khác, các DN phải tìm mọi cách để cầm cự hoạt động, chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí lấy công làm lãi để lôi kéo khách hàng.

Ông Phan Tấn Bện - chủ doanh nghiệp cơ khí Phan Tấn (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) cho biết: “Hiện nay DN đều phải kinh doanh theo kiểu chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng. Tuy chi phí đầu vào tăng cao, lợi nhuận kinh doanh giảm, nhưng việc tăng giá sản phẩm là rất khó, bởi lợi nhuận sản xuất của người nông dân ngày càng giảm. Nếu xăng tăng, điện tăng mà tăng giá thì sản phẩm không thể xuất bán được. Do đó, tạo được sự ổn định sản xuất trong tình hình hiện nay là bài toán khó của DN”.

Còn ông Nguyễn Trường Chinh - Phó trưởng Phòng Hành chính nhân sự Công ty Sao Mai (thành phố Cao Lãnh) cho biết, mặc dù rất nhiều chi phí đầu vào tăng như xăng, dầu và đặc biệt giá điện vừa tăng thêm 5%, trong khi đó chi phí điện của công ty chiếm 2% giá thành sản phẩm. Để cạnh tranh, Công ty không thể tăng giá bán sản phẩm mà tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, bố trí sản xuất hợp lý, hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm; đưa ra các định mức mới trong việc sử dụng điện... nhằm ổn định sản xuất, giữ chân khách hàng trong thời kỳ bão giá.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn