Xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Cập nhật ngày: 18/05/2022 15:13:27
ĐTO - Sáng 18/5, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 06-NQ/TW). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp có các đồng chí: Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy, Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn...
Theo đó, Nghị quyết 06-NQ/TW đề ra các mục tiêu cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt 1,5 - 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt 1,9 - 2,3%. Đến năm 2025, toàn quốc có 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 có 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.
Nghị quyết 06-NQ/TW cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045 là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững…
Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết 06-NQ/TW đề các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị...
Trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết 06-NQ/TW tới cán bộ, đảng viên; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện…
NHẬT NAM