Xây dựng Tầm nhìn chiến lược quy hoạch tỉnh Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 26/09/2020 12:21:09
ĐTO - Ngày 25/9, tại TP.Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo lần thứ nhất về xây dựng Tầm nhìn chiến lược quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đánh giá cao những phương án về quy hoạch tỉnh Đồng Tháp của nhóm chuyên gia Pháp
Hội thảo có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương. Chương trình đặc biệt được kết nối trực tuyến với các chuyên gia quy hoạch từ điểm cầu Paris, Pháp và điểm cầu TP.HCM có sự tham dự của Giáo sư Phan Văn Trường.
Phát biểu mở đầu hội thảo, Bí Thư Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay thế giới đang vận hành và thay đổi rất nhiều. Ngày nay, con người làm giàu không chỉ bằng sự cần cù mà còn bằng cả tư duy, sự sáng tạo. Hiện tại đã có nhiều quốc gia điều hành đất nước bằng nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số. Bí thư mong muốn, thông qua hội thảo, lãnh đạo các ngành, địa phương cần tư duy rộng mở để tiếp thu ý tưởng mới tốt hơn; cùng các chuyên gia đưa ra phương án để quy hoạch phát triển Đồng Tháp trong tương lai. Bí thư cũng lưu ý, để có thể có phương án quy hoạch từng địa phương một cách hoàn chỉnh và tốt nhất thì địa phương cần dựa vào nhiều nguồn lực từ các chuyên gia, doanh nghiệp cùng nguồn lực từ chính quyền.
Tại hội thảo, nhóm chuyên gia về quy hoạch Pháp đề xuất, với vị trí địa lý của Đồng Tháp cho phép tỉnh có thể phát triển đa trung tâm dựa trên 4 vùng đô thị chủ đạo. Khu kinh tế thứ nhất là “Xây dựng chuỗi đô thị và hành lang kinh tế ven sông Tiền”, trong đó TP.Cao Lãnh đóng vai trò là “hạt nhân” là thủ phủ tỉnh, là trung tâm hành chính - văn hóa, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu nông nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp, hội quán... Khu đô thị thứ hai là vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền, trong đó Hồng Ngự sẽ đóng vai trò chủ đạo. Khu vực này sẽ là cửa ngõ giao thương quốc tế, nắm giữ vai trò quan trọng và tiên phong trong liên kết và hợp tác liên vùng. Khu vực kinh tế trọng điểm thứ ba là “Vùng kinh tế sinh thái – nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười”. Khu vực này sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp đổi mới với tính thích ứng cao, vườn ươm cho những giá trị phát triển bền vững trong tương lai. Vùng kinh tế trọng điểm thứ 4 là “Cụm kinh tế hậu cần ven sông Hậu”, khu vực này sẽ là đầu mối hạ tầng, dịch vụ quan trọng giúp kết nối hoàn thiện các chuỗi giá trị cho tỉnh Đồng Tháp và cụm đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
TP.Cao Lãnh đóng vai trò là “hạt nhân”, là thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp, là trung tâm hành chính - văn hóa, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu nông nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp, hội quán… Ảnh: Hoàng Trọng
Về quy hoạch tổng thể tỉnh Đồng Tháp, Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ ý kiến, Đồng Tháp nên có cái nhìn tổng thể và tham vọng xa hơn trong quy hoạch và phát triển tỉnh Đồng Tháp trong tương lai. Hiện với những tiềm năng về tài nguyên nước ngọt, tài nguyên đất nông nghiệp, Đồng Tháp đang có nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế so với những tỉnh, thành và nhiều quốc gia. Trong định hướng phát triển, Đồng Tháp cũng có thể định hướng tạo hệ sinh thái “cư dân Đồng Tháp” kết nối từ trên mạng internet, đây cũng có thể là một nguồn lực mà tỉnh có thể tận dụng để phát triển kinh tế Đồng Tháp. Ngoài ra, để kinh tế phát triển bền vững, giáo sư Phan Văn Trương đề nghị, Đồng Tháp nên quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chế biến nông sản vừa và nhỏ phát triển. Việc hỗ trợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sẽ là nền tảng để tất cả người dân đều được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên của địa phương.
Nhìn ở góc độ môi trường, Tiến sĩ Diệp Mỹ Hạnh - chuyên gia về môi trường của nhóm tư vấn quy hoạch Pháp cho rằng, trong quy hoạch phát triển của Đồng Tháp trong tương lai, tỉnh cần phải đặt tiêu chí môi trường là mục tiêu phát triển ưu tiên chứ không phải là nhiệm vụ phải làm. Bởi khi Đồng Tháp ưu tiên cho môi trường thì môi trường sẽ là nguồn lực giúp Đồng Tháp phát triển kinh tế.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Văn Dương thống nhất đề xuất về quy hoạch tổng thể tỉnh Đồng Tháp thành 4 khu vực kinh tế trọng điểm của nhóm chuyên gia tư vấn Pháp. Đồng thời, Chủ tịch cũng đánh giá đề xuất quy hoạch tổng thể tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050 của nhóm chuyên gia đáp ứng yêu cầu phát triển cân bằng và bền vững, đồng thời rút ngắn khoảng cách đưa Đồng Tháp phát triển, trở thành nhóm có trình độ phát triển trên trung bình giai đoạn tới. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở đặt ra được những mục tiêu của tư vấn đã đặt ra trong kế hoạch quy hoạch tỉnh giai đoạn tới.
Mỹ Lý