Bảo vệ hiện trạng di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học

Cập nhật ngày: 12/05/2025 13:29:59

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250512013110dt2-6.mp3

 

ĐTO - Công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được tỉnh quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên cho việc bảo tồn kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại 4 khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, bảo vệ cảnh quan gồm: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích lịch sử Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp đạt nhiều kết quả tích cực.


Du khách tham quan tại Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh)

Theo ngành chức năng tỉnh, thông qua công tác bảo vệ môi trường nói chung và việc bảo vệ hiện trạng di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học nói riêng trong năm qua chưa phát hiện giống cây trồng, vật nuôi bị biến đổi gen và sản phẩm từ biến đổi gen trên địa bàn. Việc kiểm soát các sinh vật ngoại lai (ốc bươu vàng, cá lau kiếng, mai dương...) thực hiện rộng rãi trên  toàn  tỉnh.  Hàng  năm, Vườn  Quốc  gia  Tràm Chim (huyện Tam Nông) triển khai Đề án diệt trừ cây mai dương để hạn chế sự xâm lấn các loài động, thực vật khác và hệ sinh thái. Với sự quản lý và thực hiện tốt, Vườn Quốc gia Tràm Chim cơ bản kiểm soát được loài ngoại lai xâm hại này, khống chế sự xâm lấn, phá hủy hệ sinh thái đất ngập nước trong khu bảo tồn.

Đồng thời tiếp tục thực hiện mô hình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, cho phép người dân được vào khai  thác có kiểm soát nguồn tài nguyên sinh vật trong Vườn Quốc gia Tràm Chim, đồng thời chia sẻ lợi ích từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý giữa người dân và Ban Quản lý vườn. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học. Việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm cũng được tăng cường, không để xảy ra các hành vi vi phạm nghiêm trọng, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về phát triển kinh tế phải đi đôi với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật trên địa bàn tỉnh.

Rừng tràm Gáo Giồng thuộc địa bàn xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) có tổng diện tích hơn 1.500ha, trong đó có khoảng 1.200ha rừng tràm với hệ sinh thái động, thực vật phong phú. Đồng chí Huỳnh Thanh Hiền - Trưởng Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng, cho biết: “Trong bảo vệ hệ sinh thái rừng, đơn vị quán triệt cán bộ, nhân viên và tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực vành đai rừng hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các chất hóa học nhằm tránh tác động đến môi trường; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô. Thông qua nhiều hình thức, Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ở xung quanh khu vực rừng tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy rừng vành đai, góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng tràm Gáo Giồng gắn với phát triển du lịch sinh thái...”.

Tỉnh tiếp tục duy trì số lượng và diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng; nâng cao năng lực quản lý và thực thi Luật Đa dạng sinh học; triển khai các nhiệm vụ quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái vùng đất ngập nước, khu di tích lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an tỉnh thường xuyên kiểm  soát, ngăn ngừa và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm đối với tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động, thực vật quý hiếm, ưu tiên bảo vệ và các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh tổ chức triển khai và công bố Đề án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim; vận động xã hội hóa, các nguồn viện trợ và đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sinh thái khu Ramsar Tràm Chim; hỗ trợ sinh kế vùng đệm, trồng và sản xuất được hơn 300ha lúa sinh thái. Cùng với đó, người dân, cộng đồng khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày càng được nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Quan tâm triển khai các nhiệm vụ của  Kế hoạch số 185 ngày 14/6/2021 của UBND tỉnh về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, nhất là giám sát chặt chẽ đối với việc xuất,  nhập  khẩu các loài sinh vật  biến  đổi  gen; các loài  sinh vật ngoại lai, xuất khẩu đối với  động thực vật  quý hiếm. 

Thời gian tới, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh chú trọng nâng cao năng lực quản lý và thực thi Luật Đa dạng sinh học; bảo  vệ  các hệ  sinh  thái vùng  đất  ngập  nước, khu  di  tích lịch  sử, khu bảo  tồn thiên nhiên; triển khai thực hiện Kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn; thường xuyên kiểm soát, ngăn ngừa và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm đối với tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động, thực vật quý hiếm ưu tiên bảo vệ, cũng như các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 11.680ha, trong đó tổng diện tích đất có rừng 5.662,86ha (diện tích rừng đặc dụng  2.717,63ha, rừng  phòng hộ 926,85ha, rừng sản xuất 1.998,07ha, rừng trồng ngoài quy hoạch 20,31ha). Diện tích rừng trồng mới tập trung trong năm 2024 là 109,37ha; diện tích rừng khai thác 350,60ha (tăng 203,49ha so với năm 2023), sản lượng khoảng 22.000m3.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn