Không phát sinh cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Cập nhật ngày: 16/03/2024 15:57:29
ĐTO - Theo đánh giá của ngành chức năng, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, góp phần ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường. Các năm qua, trên địa bàn tỉnh không phát sinh cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp tục được thực hiện tốt; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường và thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra...
Môi trường không khí ở Đồng Tháp trong lành, góp phần thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp (Ảnh: Mỹ Lý)
Môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khá trong lành, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái và nông nghiệp. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí cho thấy, môi trường không khí trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, chưa có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng. Có một số điểm ô nhiễm không khí, bụi, tiếng ồn cục bộ tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các bãi rác tạm, các khu vực có mật độ giao thông cao vào giờ cao điểm như: trường học, bệnh viện hoặc tại các khu vực thi công các tuyến đường giao thông.
Chất lượng nước mặt tại tỉnh Đồng Tháp bị ô nhiễm chủ yếu bởi chất hữu cơ, hầu hết tại các điểm quan trắc đều có các thông số BOD5, COD, TSS, N-NH4+, PO43-, Coliforms, E.coli vượt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, so với các năm trước đây, mức độ ô nhiễm tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ, cho thấy công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được tỉnh thực hiện có hiệu quả, ý thức của doanh nghiệp và người dân dần tăng lên. Nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế... được quản lý, xử lý tốt hơn làm giảm tác động đến nguồn nước mặt tại địa phương; chỉ diễn ra tình trạng ô nhiễm cục bộ ở một số khu vực nuôi trồng thủy sản.
Hàng năm, tỉnh đều thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường đất nhằm đánh giá mức độ suy thoái đất để có kế hoạch phục hồi sử dụng và đánh giá mức độ ô nhiễm, nhiễm độc. Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tiến hành thu mẫu đất tại 12 điểm trên toàn tỉnh để phân tích chất lượng đất (chủ yếu là đất trồng lúa, hoa màu, đất vườn xoài, đất vườn và đất trồng hoa kiểng). Kết quả phân tích chất lượng đất năm 2023 và các năm trước đây cho thấy, tất cả các chỉ tiêu phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 03-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giới hạn kim loại nặng trong đất; không có diện tích đất bị nhiễm độc, tồn dư dioxin, hóa chất và các chất gây ô nhiễm.
Đối với rác thải sinh hoạt, toàn bộ lượng rác phát sinh được tập trung thu gom về 13 khu xử lý rác thải, được phân bố tại các huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình và các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ vẫn còn nhiều khó khăn, đa phần chất thải nguy hại lẫn vào chất thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý theo quy định. Tại các khu vực đô thị, khu vực chợ và dọc theo các tuyến đường xe thu gom rác chuyên dụng có thể di chuyển được, tỷ lệ thu gom đạt khá cao (bình quân khoảng 92%). Riêng các khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom tính theo hộ dân còn thấp (bình quân khoảng 63%), đa phần rác thải được người dân tự xử lý bằng nhiều cách như: chôn lấp, thải xuống các kênh rạch, khu đất trống hay tự ý đốt rác.
Hiện tại, tỉnh đang có 3 dự án nhà máy xử lý chất thải rắn gồm: Nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển xử lý môi trường Cửu Long tại khu xử lý Đập Đá, huyện Cao Lãnh với công suất 240 tấn/ngày (đã tạm ngưng hoạt động từ năm 2020 đến nay); Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Gia Bình Hồng Ngự tại khu xử lý Bình Thạnh, TP Hồng Ngự với công suất 150 tấn/ngày (đang trong quá trình xây dựng); Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ môi trường Tiến Phát tại khu xử lý Đập Đá, huyện Cao Lãnh đã đi vào hoạt động chính thức.
Phần lớn các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh là công nghiệp vừa và nhỏ, phát sinh nhiều chất thải rắn công nghiệp, bao gồm cả chất thải nguy hại. Các phế phẩm, phế liệu trong quá trình sản xuất, tro xỉ từ quá trình đốt cháy nguyên liệu... được thu mua, tận dụng để tái sử dụng làm phân bón phục vụ trong nông nghiệp.
Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về lượng chất thải rắn phát sinh trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Riêng chất thải nguy hại trong lĩnh vực này như: bao gói, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh trên địa bàn tỉnh được từng địa phương chủ động lập kế hoạch tổ chức vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo đúng theo quy định. Năm 2023, 12 huyện, thành phố đã tổ chức thu gom, xử lý 96,031 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Hội Nông dân tỉnh đã triển khai phát động thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng có hơn 600 người tham gia với khối lượng thu gom, xử lý được 4.149kg.
Đến nay chưa có văn bản pháp luật quy định các công ty, doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm thu mua lại vỏ thuốc bảo vệ thực vật để xử lý theo quy định. Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã chi khoản ngân sách không nhỏ để đầu tư các hố thu gom tập kết bao gói thuốc bảo vệ thực vật và hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại.
TN