Thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại sạt lở bờ sông

Cập nhật ngày: 11/08/2024 05:48:52

ĐTO - UBND tỉnh vừa đề nghị thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra.


Một vụ sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Cao Lãnh (Ảnh tư liệu)

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 275/UBND-KT ngày 28/4/2024 về tăng cường công tác giám sát, quản lý trật tự xây dựng công trình trong hành lang sạt lở, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Công văn số 317/UBND-KT ngày 14/5/2024 về chủ động ứng phó với mưa lũ, giông, lốc, sét, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông và thời tiết nguy hiểm năm 2024; Công văn số 449/UBND-KT ngày 9/7/2024 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản năm 2024; Công văn số 537/UBND-KT ngày 1/8/2024 về chủ động ứng phó với lũ, ngập úng, mưa lớn kèm lốc, sét, gió giật mạnh và nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động theo dõi, tổ chức kiểm tra diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo tình hình sạt lở ở các địa phương theo quy định; đề xuất các giải pháp xử lý sạt lở; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án ứng phó sạt lở của các ngành, các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ứng phó, khắc phục hiệu quả giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra.

Chủ trì, phối hợp với địa phương rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để bổ sung vào Chương trình bố trí dân cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông, khai thác nước ngầm và khai thác các tài nguyên dưới đất để hạn chế xảy ra sạt lở. Đồng thời bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác cát. Thường xuyên quan trắc, dự báo tình hình khí tượng, thủy văn để các địa phương chủ động, kịp thời ứng phó.

UBND huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở bờ sông, theo dõi thường xuyên diễn biến các khu vực đã xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao, tổ chức sửa chữa, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao còn trũng thấp. Tiến hành lắp đặt, cắm biển cảnh báo và khoanh vùng sạt lở kịp thời tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở cao; tại những khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng…; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng sạt lở bờ sông để nhân dân nắm và chủ động phòng tránh.

Đối với những điểm sạt lở, chỉ đạo lực lượng địa phương kịp thời xử lý sự cố giờ đầu; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra, khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở tại các khu vực trên. Đẩy mạnh việc khuyến khích người dân trồng cây bần bảo vệ đất nhằm góp phần phòng, chống sạt lở bờ sông (đặc biệt sông, kênh, rạch nội đồng).

T.NG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn