Thực hiện tốt việc thu gom chất thải bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 18/05/2025 05:15:45

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250518051700dt2-4.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, các ngành, đơn vị, địa phương của huyện Tân Hồng quan tâm đầu tư, vận động Nhân dân xây dựng hệ thống đèn đường chiếu sáng, trồng cây xanh trên các tuyến đường góp phần xây dựng không gian sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.


Phương tiện cơ giới của Công ty CP Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp thu gom rác trên địa bàn xã Thông Bình (huyện Tân Hồng) và vận chuyển đến khu xử lý rác thải tập trung nhằm bảo vệ môi trường 

Đến nay, các tuyến đường liên huyện, liên xã, ấp thuộc địa bàn huyện Tân Hồng có hệ thống đến chiếu sáng, trồng cây xanh và hoa kiểng 2 bên đường, làm hàng rào tạo cảnh quan môi trường với tổng chiều dài hơn 153km. Trong đó, các ngành, các cấp, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm đầu tư và vận động người dân xây dựng hệ thống đèn đường chiếu sáng kết hợp trồng cây xanh trên các tuyến đường có đông dân cư, nhằm xây dựng không gian sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ môi trường ở vùng biên.

Các khu, cụm, tuyến dân cư của huyện Tân Hồng đều có bố trí đất trồng các loại cây xanh bản địa, thân gỗ (sao, dầu, bằng lăng, xà cừ), đa mục đích có giá trị bảo vệ môi trường, cảnh quan, diện tích trồng cây xanh tại điểm dân cư nông thôn ở các xã, thị trấn bình quân khoảng 3,69m2/người. Việc trồng cây xanh để tạo bóng mát, cảnh quan cũng được thực hiện tại các khu vực công cộng như: trụ sở cơ quan, trường học, Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã, Nhà văn hóa ấp. Ngoài ra, các xã triển khai xây dựng mô hình “Dòng sông không rác” đã tuyên truyền, vận động Nhân dân dọc các tuyến kênh đăng ký thu gom rác thải, không vứt rác xuống kênh; trồng hoa tạo cảnh quan môi trường. Qua đó, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo ngành chức năng huyện Tân Hồng, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của người dân trên địa bàn huyện khoảng 36 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được phân loại, thu gom và xử lý theo quy định. Toàn huyện Tân Hồng có 4 xe thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt với 15 công nhân. Công ty CP Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp tổ chức thu gom và vận chuyển chất thải sinh hoạt về khu xử lý chất thải rắn Dinh Bà để xử lý. Trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường xã đều bố trí thùng rác với số lượng hơn 1.500 thùng để người dân bỏ rác và đơn vị thu gom tập kết về khu xử lý rác thải tập trung để chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Lượng rác thải y tế nguy hại (lây nhiễm) phát sinh trong huyện khoảng 12,5kg/ngày; chất thải nguy hại phát sinh từ Trung tâm Y tế, Trạm y tế và các phòng khám bệnh tư nhân được thu gom, vận chuyển về Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng để xử lý. Trung tâm Y tế đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 110m3/ngày; lò đốt rác y tế, công suất 30kg/giờ. Huyện Tân Hồng đã triển khai công tác phân loại rác tại nguồn để người dân hiểu và thực hiện phân loại rác thường xuyên hơn.

Các xã của huyện đồng loạt thực hiện mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, qua đó có gần 9.300 hộ tham gia. Đặc biệt, 100% UBND xã, cơ quan Nhà nước hưởng ứng kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong nội bộ cơ quan, đơn vị tại các cuộc hội họp sử dụng nước uống chứa trong bình, chai thủy tinh thay thế cho chai nhựa dùng 1 lần. Các tổ chức chính trị - xã hội 8 xã trên địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền đến các hộ tiểu thương, người dân hạn chế sử dụng chất thải nhựa, sử dụng giỏ xách đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni-lon dùng 1 lần.

Phát huy những kết quả đạt được, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tham gia bảo vệ môi trường; thực hiện tốt việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để rác thải ra môi trường, không để phát sinh tồn đọng rác thải trên địa bàn huyện. Đồng thời vận động Nhân dân chỉnh trang nhà cửa, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, đội tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng ngõ xóm, các khu vực công cộng đảm bảo xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện biên giới Tân Hồng.

Các xã trên địa bàn huyện Tân Hồng đầu tư 527 hố thu gom, lưu giữ và 3 khu lưu giữ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để xử lý, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Nhìn chung, công tác thu gom, xử lý bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn các xã cơ bản đáp ứng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05 ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn