“Tái cơ cấu nền nông nghiệp” - hành trình “thay áo” mới
Cập nhật ngày: 07/08/2013 06:24:27
Trong buổi tọa đàm tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh gắn với cánh đồng liên kết (diễn ra vào ngày 1/8/2013), ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn vạch ra thực trạng của ngành nông nghiệp Việt Nam chưa khởi sắc.
Theo đánh giá của chuyên gia, trong tình hình hiện nay, nông nghiệp là mô hình đột phá, tuy nhiên việc đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, đầu tư xã hội thấp, năng suất lao động thấp, sản phẩm không đủ yếu tố cạnh tranh trên thương trường quốc tế... Đó là lý do tại sao sản lượng sản phẩm nông nghiệp có tăng trưởng về số lượng, song người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi xứng đáng trên chính sản phẩm của mình...
Sản xuất chế biến gạo - một trong những thế mạnh
của địa phương Ảnh: K.Duy
Trước thực trạng chung đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, tỉnh đã mạnh dạn tiến đến tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, gắn với mô hình cánh đồng liên kết. Theo ông Đặng Kim Sơn, tinh thần của tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến 2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ tập trung phát huy các ngành hàng nông nghiệp có lợi thế của tỉnh là lúa gạo, chế biến cá tra, hoa kiểng... tiến đến xây dựng chuỗi giá trị liên kết. Theo đó, tập trung đột phá áp dụng khoa học công nghệ và quản lý để tăng giá trị gia tăng của sản xuất. Phát huy sức mạnh liên kết của nông dân, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tiến tới đổi mới tổ chức sản xuất, xây dựng các hình thức kinh tế hợp tác, gắn bó tổ chức sản xuất nông dân với doanh nghiệp thông qua hiệp hội ngành hàng là điểm nhấn cho sự thành công của tái cơ cấu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan chia sẻ: “Hình thức sản xuất đã thay đổi chuyển từ kinh tế hộ đến kinh tế hợp tác, vì thế cần một phương thức vận hành nền nông nghiệp mới. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang ở bước ngoặt cho sự tăng trưởng bền vững nếu đi đúng hướng và ngược lại sẽ bỏ lỡ một thời cơ, sản xuất nông nghiệp tiếp tục bấp bênh”.
Trước những quan điểm “thay áo” cho sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, các ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn rất quan tâm và đánh giá cao đề án, quyết tâm đồng hành cùng công cuộc mang tính chiến lược này. Ông Đinh Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho rằng, một trong những khó khăn của nông nghiệp tỉnh là tiêu thụ sản phẩm, giá cả bấp bênh. Việc chuẩn bị thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với cánh đồng liên kết là việc làm cần và đủ đáp ứng được mong mỏi của người nông dân, giải quyết bài toán phức tạp hiện nay là liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, góp phần lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông dân, tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay...”
Theo như định hướng của đề án, liên kết và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân thông qua hợp tác xã (HTX). Theo thống kê, trong thời gian qua, các địa phương đã làm khá tốt công tác xây dựng cánh đồng liên kết như Tam Nông, Tháp Mười... với các doanh nghiệp tiên phong: Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng, Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà, Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên... mặc dù bước đầu còn nhiều khó khăn, nhưng khi đề án tái cơ cấu này được thực hiện, doanh nghiệp tỉnh đặt niềm tin rất lớn vào hướng đi đồng bộ của đề án và chia sẻ những điểm cần thiết cho công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh thành công trọn vẹn hơn.
Ông Đoàn Văn Hiền - Giám đốc Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà chia sẻ: “Hiện nay, muốn cơ cấu lại ngành nông nghiệp thì phải xây dựng HTX theo mô hình sản xuất kiểu mới. Theo đó, Nhà nước cần quan tâm đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hạ tầng bảo quản sau thu hoạch, đồng thời phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm. Với tư cách là một doanh nghiệp tham gia vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đơn vị sẽ gắn liền sản xuất với người nông dân trên đồng ruộng, đồng thời đưa chất lượng sản phẩm và thương hiệu của HTX từ đồng ruộng đến thế giới thông qua doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu”.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá cao nỗ lực của tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Bà Hạnh cho biết, sẽ tạo điều kiện cho sự kết nối giữa doanh nghiệp với người nông dân, hỗ trợ sản phẩm nông sản của Đồng Tháp đến với trung tâm tiêu dùng, xuất khẩu.
Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với mô hình cánh đồng liên kết là một trong những việc làm không dễ dàng, đây là cả quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Điều kiện “đủ” của việc xây dựng cánh đồng liên kết, hướng đến tái cơ cấu là tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và có doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện được điều này, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần tuyên truyền vận động thực hiện. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng cánh đồng liên kết phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương. Để đạt kết quả cao, chúng ta phải chủ động phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và hiện nay Chính phủ đang có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp. Điều này sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đồng hành cùng cánh đồng liên kết...
K.D