Bán lúa non đồng loạt
Cập nhật ngày: 29/03/2017 16:34:18
ĐTO - Trước đây, một số nông dân làm lúa khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải cần một số tiền để giải quyết, đành phải bán lúa non với giá rất thấp. Chuyện bán lúa non bây giờ, không phải vì người nông dân túng tiền mà vì người mua lúa, vì sự đồng loạt.
Nhiều năm qua, phần đông nông dân muốn bán lúa và người thu mua lúa phải thông qua “cò lúa”. Khi cánh đồng lúa sắp thu hoạch, cò lúa thay thương lái đến gặp nông dân thỏa thuận giá, đặt tiền cọc, định ngày thu hoạch, cân lúa... Sau khi cân lúa xong, thương lái trả tiền “cò” cho cò lúa (hiện khoảng 20 ngàn đồng/tấn lúa). Với cách mua bán lúa này, khi giá lúa bình ổn hoặc tăng thì nông dân bán lúa theo giá đã thỏa thuận với cò lúa; còn khi giá lúa sụt mạnh thì thương lái gặp chủ ruộng lúa kèo nài xin hạ giá, hay đưa ra lý do lúa không sạch, không đạt yêu cầu... để hạ giá; nếu giá lúa sụt sâu thì thương lái bỏ luôn tiền cọc.
Gần đây, vì ngày càng có nhiều thương lái sắm ghe lớn, cần thu mua lúa cho đầy ghe ở một khu vực nào đó; thương lái nhận định giá lúa có thể tăng trong thời gian tới;... nên một số nơi, cò lúa đến gặp nông dân thỏa thuận việc mua bán từ khi lúa sạ chưa đầy một tháng tuổi. Một số nông dân ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười cho biết, việc bán lúa non là thực hiện đồng loạt trên một khu vực, cánh đồng, vì nếu ai không đồng ý bán lúa non thì đến khi thu hoạch, lượng lúa còn ít, cò lúa không mua thì nông dân gặp khó khăn hơn. Nếu sắp đến ngày thu hoạch lúa, cò lúa mới đến hỏi mua thì sau khi thỏa thuận nông dân nhận tiền cọc khoảng 200 ngàn đồng/công lúa. Còn bán lúa non, nông dân được nhận tiền cọc nhiều hơn, khoảng 300 ngàn đồng/công, tuy nhiên, nếu giá lúa sụt mạnh, thương lái vẫn chấp nhận bỏ tiền cọc.
Câu chuyện bán lúa non đồng loạt còn nhiều vấn đề trăn trở, nhất là khi giá lúa ở thời điểm thu hoạch tăng cao so với giá thỏa thuận giữa nông dân với cò lúa, nông dân phải chấp nhận.
Thành Nam